.

Các nước nghèo sẽ rơi vào khủng hoảng do xung đột ở Ukraine

Cập nhật: 17:42, 14/04/2022 (GMT+7)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 14/4 cảnh báo, các nước nghèo đang cùng lúc phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính do tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng, mà nguyên nhân là do cuộc xung đột ở Ukraine.

Người dân mua bột mì tại một khu chợ ở N’djamena, CH Chad.
Người dân mua bột mì tại một khu chợ ở N’djamena, CH Chad.

Theo Tổng thư ký Guterres, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu khí hàng đầu trên thế giới, cả Nga và Ukraine cũng đều là các nước sản xuất ngũ cốc lớn, chiếm tới 1/3 tổng lượng xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu. Chính vì vậy, khi giá hàng hóa tăng vọt lên mức kỷ lục thì các nước dựa vào nhập khẩu phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tổng thư ký Guterres cũng đưa ra báo cáo mới của lực lượng đặc nhiệm ứng phó khủng hoảng thuộc Liên hợp quốc mà ông đã thành lập ngay sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra hôm 24/2.

Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu Liên hợp quốc cho hay, có tới 1,7 tỷ dân - chiếm 1/3 tổng số người sống trong cảnh nghèo túng trên toàn cầu - đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thiếu năng lượng và tài chính. Ông nhấn mạnh rằng, thế giới không thể để những người nghèo phải gánh chịu hậu quả của những thảm họa mà họ không hề gây ra.

Hiện, có tới 36 quốc gia phụ thuộc vào nguồn lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine, trong đó có những nước ở trong danh sách các quốc gia nghèo và dễ tổn thương nhất.

Báo cáo của nhóm đặc nhiệm ứng phó khủng hoảng của Liên hợp quốc khuyến nghị cần đảm bảo ổn định nguồn cung lương thực và năng lượng thông qua các thị trường mở và cải tổ hệ thống tài chính quốc tế.

Nhìn theo hướng tích cực, các nước nên tận dụng thời gian này để nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng các loại năng lượng tái tạo, thay vì phụ thuộc vào than đá hay các loại nhiên liệu hóa thạch khác.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 14/4 cho biết, bà quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu.

Phát biểu tại một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá lương thực, năng lượng và một số kim loại tăng cao, làm trầm trọng thêm những áp lực lạm phát, và điều này có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bà Yellen bày tỏ quan ngại về nguy cơ suy thoái tại châu Âu, nơi vốn dễ bị tổn thương nhất do sự gián đoạn về nguồn cung năng lượng từ Nga.

Bà Yellen cho rằng, mặc dù Mỹ có một “nền kinh tế và thị trường lao động rất mạnh mẽ”, nhưng cũng phải đối mặt với áp lực về tiền lương, lạm phát lớn và có thể là áp lực gia tăng về chuỗi cung ứng do việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế, phong tỏa để ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch COVID-19.

Ngoài ra, Bộ trưởng Yellen cũng cho biết thêm rằng, bà và các quan chức khác sẽ tham dự các hội nghị Mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để thảo luận về những giải pháp khả thi nhằm hỗ trợ những người nghèo, những người dành phần lớn thu nhập của họ cho việc mua thực phẩm.

Theo bà Yellen, các ngân hàng phát triển đa phương đang cung cấp tài chính cho việc tăng cường sản xuất thực phẩm nội địa, củng cố mạng lưới an toàn xã hội và kích hoạt tài trợ thương mại, tuy nhiên, cũng cần đầu tư dài hạn hơn để giải quyết những lỗ hổng cơ bản trong các hệ thống cung ứng thực phẩm.

Trong những ngày qua, dư luận tại Mỹ đã tiếng cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng của thế giới như là một trong những hệ lụy lớn nhất của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

Mới đây, hãng tin Bloomberg trích dẫn các phân tích cho rằng hoạt động buôn bán ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột tại Ukraine.

Báo cáo của Bloomberg tham khảo đánh giá từ đại diện các tổ chức và chuyên gia phân tích, trong đó nêu rõ khoảng một nửa số bắp mà Ukraine dự kiến xuất khẩu trong mùa vụ này theo kế hoạch đã ngày càng trở nên khó giao hàng cho người mua, động thái cho thấy sự bất ổn mà tình hình địa chính trị đã gây ra cho thương mại ngũ cốc toàn cầu.

HẢI VÂN

.
.
.