Nga khuyến cáo về khả năng dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu

Thứ Sáu, 01/04/2022, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/4 cho biết, nước này có thể sẽ dừng các hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu trừ phi các hợp đồng này được thanh toán bằng đồng ruble.

Trạm khí đốt Russkaya ở vùng Krasnodar (miền Nam Nga).
Trạm khí đốt Russkaya ở vùng Krasnodar (miền Nam Nga).

Khi nền kinh tế gặp những khó khăn do các lệnh trừng phạt quốc tế, ông Putin khuyến cáo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải mở các tài khoản bằng đồng ruble tại các ngân hàng của Nga để thanh toán tiền mua khí đốt. Ông nói nếu không thanh toán bằng đồng ruble thì điều này sẽ được xem là lỗi của người mua và các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng.

EU cùng với Mỹ thực hiện các lệnh trừng phạt Nga, nhưng khối này đã không cấm vận năng lượng của Nga do nhu cầu riêng.

Đức, nước nhập khẩu 55% nhu cầu khí đốt từ Nga trước khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, cho rằng việc thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng euro hay USD đã được quy định trong hợp đồng.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho biết, Đức và Pháp cũng đang chuẩn bị cho khả năng Nga dừng cung cấp khí đốt.

Châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga nhưng điều này có thể khiến giá năng lượng tăng mạnh hơn nữa. Để hạ nhiệt giá năng lượng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/3 đã thông báo giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày từ kho dự trữ trong sáu tháng. Đây là lượng dầu lớn nhất được giải phóng trong lịch sử nước Mỹ và nâng nguồn cung dầu toàn cầu thêm khoảng 1%.

Tuy nhiên, lượng dầu trên không đủ để bù vào phần sụt giảm do lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga mà ông Biden ban hành trong tháng này.

Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Nga cho biết nước này sẽ mở rộng danh sách các nhân vật thuộc Liên minh châu Âu (EU) bị cấm nhập cảnh vào Nga nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva liên quan vấn đề Ukraine.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có một số ủy viên châu Âu và những người đứng đầu các tổ chức quân sự EU cùng nhiều thành viên của Nghị viện châu Âu (EP), những người đã thúc đẩy các chính sách chống lại Nga.

Ngoài ra, tuyên bố nêu rõ trong danh sách trên còn có các quan chức cấp cao khác cũng như nhiều nhân vật của công chúng và nhân viên truyền thông, những người chịu trách nhiệm cá nhân thúc đẩy các lệnh trừng phạt bất hợp pháp nhằm vào Nga.

Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ đã thông tin về lệnh trừng phạt trên cho phái đoàn EU tại Moskva, đồng thời tuyên bố bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ phía EU và các nước thành viên của liên minh này đối với Nga, Moskva sẽ đều có bước đi đáp lại.

Trước đó, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga liên quan vấn đề Ukraine, các lệnh cấm đi lại cũng như phong tỏa tài sản đối với một số nhân vật trong chính phủ Nga.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ hỗ trợ cho các hãng hàng không nội địa 100 tỷ rúp (1,25 tỷ USD) để giúp họ đối phó với hậu quả từ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào cuối cuộc họp với đại diện của các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay, ông Putin cho biết các chuyến bay nội địa sẽ nhận được trợ cấp của chính phủ trong năm 2022.

Nga - thị trường hàng không lớn thứ 11 thế giới - đang chịu áp lực lớn khi Mỹ và châu Âu đóng cửa không phận đối với máy bay Nga cùng việc Moskva có động thái tương tự đáp trả. Ngoài ra, các hãng hàng không Nga không còn có thể mua phụ tùng hoặc nhận được dịch vụ bảo dưỡng từ châu Âu hoặc Mỹ.

Do các lệnh trừng phạt liên quan đến việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các bên cho thuê máy bay phương Tây cũng đã buộc phải chấm dứt hợp đồng mà các hãng hàng không Nga đang thuê hơn 500 máy bay.

Tổng thống Putin cho biết, ông đã chỉ thị chính phủ tìm ra các biện pháp để giảm bớt gánh nặng thanh toán tiền thuê cho các hãng hàng không.

Hầu hết các máy bay thuê vẫn ở Nga, và nước này đã thông qua luật cho phép các máy bay này được nhập vào sổ đăng ký máy bay của mình. Tuy nhiên, các hãng hàng không Nga vẫn do dự trong việc áp dụng luật này do lo ngại ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác 

quốc tế.

LÊ MINH

 
;
.