Ngày 7/4, Mỹ, cùng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga do liên quan tới xung đột ở Ukraine.
Một trạm bơm xăng dầu, khí đốt tại Essen, Đức. |
Theo Nhà Trắng, là một phần của nỗ lực này, Mỹ đang công bố các biện pháp kinh tế để cấm đầu tư mới vào Nga, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính “nghiêm khắc nhất” đối với ngân hàng lớn nhất, một số doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất...
Các biện pháp trừng phạt tài chính sâu rộng này theo sau hành động của Mỹ vào đầu tuần này nhằm cắt các khoản tiền đã bị đóng băng của Nga tại Mỹ để thanh toán các khoản nợ.
Mỹ và hơn 30 đồng minh, đối tác đã áp dụng các biện pháp hạn chế kinh tế với phạm vi rộng nhất trong lịch sử.
Các chuyên gia dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội GDP) của Nga sẽ giảm tới 15% trong năm nay, ảnh hưởng tới thành quả kinh tế trong 15 năm qua.
Lạm phát đã tăng vọt trên 15% và dự báo sẽ tăng cao hơn nữa. Hơn 600 công ty khu vực tư nhân đã rời khỏi thị trường Nga. Chuỗi cung ứng ở Nga đã bị gián đoạn nghiêm trọng và Nga rất có thể sẽ không duy trì được vị thế là một nền kinh tế lớn.
Trong một diễn biến có liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cung cấp “hỗ trợ kỹ thuật” cho 17 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) để cố gắng hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ Nga.
Ngày 7/4, người phát ngôn EC Stefan de Keersmaecker cho biết, khoản viện trợ này là một phần trong mong muốn của châu Âu nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của châu lục này vào nước láng giềng Nga trong lĩnh vực năng lượng, được gọi là “REPowerEU”.
Tình trạng giá năng lượng tăng mạnh, chủ yếu là do giá khí đốt, và sau đó là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đã thúc đẩy chương trình chuyển đổi năng lượng của châu Âu. EU ủng hộ Ukraine, song cũng là khách hàng năng lượng quan trọng của Moskva.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), năng lượng vẫn là loại hàng hóa đầu tiên được nhập khẩu vào EU từ Nga, chiếm 62% tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2021. Trong nhóm hàng này, các sản phẩm dầu mỏ có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, sau đó là khí đốt tự nhiên và than đá.
EC sẽ cử đội ngũ chuyên gia đến các quốc gia thành viên có yêu cầu, để giúp họ thiết lập những chương trình cải cách, phát triển các chính sách đầu tư... với mục đích giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha và Romania đã kêu gọi sự hỗ trợ này của EC.
Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (FDP), đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, ngày 7/4 đã kêu gọi nước này tiến hành thăm dò trữ lượng dầu khí ở trong nước để đối phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung từ Nga trong thời gian tới.
Bộ trưởng Lindner cho rằng mặc dù liên minh lãnh đạo ở Đức không muốn khai thác dầu và khí đốt trên Biển Bắc, nhưng do cuộc chiến ở Ukraine và hậu quả là cuộc khủng hoảng năng lượng, nước Đức phải “suy nghĩ lại và chuyển hướng”, phải “tự đứng trên đôi chân của chính mình”.
Theo ông Lindner, mặc dù năng lượng tái tạo sẽ được mở rộng một cách có hệ thống, song vẫn cần phải xem xét các lựa chọn thay thế. Trước tình trạng giá năng lượng tăng mạnh, hoạt động thăm dò dầu khí ở trong nước có ý nghĩa lớn vì nước Đức có nguồn dự trữ nguyên liệu thô chưa sử dụng ở Biển Bắc.
Theo ước tính của Hiệp hội khí đốt tự nhiên Đức, khoảng 1 tỷ m3 khí đốt có thể được khai thác hàng năm từ mỏ khí đốt tự nhiên của nước này ở khu vực biên giới Đức-Hà Lan trên Biển Bắc.
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 4/4, tuyên bố, nước này đã giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga trong những tuần qua và có thể tiếp tục giảm đáng kể nguồn cung từ Moskva trong những ngày tới.
HƯƠNG GIANG