James Harrison người hiến máu 1.173 lần, cứu sống 2.4 triệu trẻ sơ sinh

Thứ Sáu, 15/04/2022, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Ông James Christopher Harrison, sinh ngày 27/12/1936 ở Úc được biết tới với biệt danh là “Man with the golden arm” - Người đàn ông có cánh tay vàng, vì thành tích hiến máu 1.173 lần, lập kỉ lục Guiness Thế giới. Ông đã hoàn thành lần hiến máu thứ 1.173 vào ngày 11/5/2018, kết thúc chuỗi 64 năm bền bỉ hiến máu, cứu sống 2.4 triệu trẻ em sơ sinh ở Úc.

Sở dĩ ông James Harrison có thể hiến máu được tới 1.173 lần trong suốt 64 năm qua vì chính xác là ông đã tham gia hiến huyết tương. Khác với hiến máu thông thường là cách mỗi 3 tháng/lần đối với nam và 4 tháng/lần đối với nữ, thì hiến huyết tương có thời gian ngắn hơn, chỉ cần 2-3 tuần là hiến được. Do đó, hơn 60 năm qua ông James cứ trung bình 3 tuần đi hiến huyết tương một lần.

Năm 14 tuổi, ông James Harrison đã trải qua một ca phẫu thuật lồng ngực kéo dài nhiều giờ liền, ông bị cắt 1 bên phổi và phải truyền tới 13 lít máu. Khi hồi phục, ông nuôi tâm nguyện sẽ trở thành người hiến máu tình nguyện khi đủ 18 tuổi, và ông đã thực hiện đúng điều đó.

Trải qua vài lần hiến máu, bệnh viện phát hiện trong máu của chàng trai trẻ James có chứa một kháng thể cực kì hiếm, gọi là Rho(D) miễn dịch globulin, người ta cho rằng nó có cơ duyên từ việc ông phải truyền 13 lít máu hồi năm 14 tuổi. Ở thời điểm đó (thập niên 1950), nước Úc vẫn có hàng ngàn trẻ sơ sinh chết mỗi năm vì bệnh lý bẩm sinh, đặc biệt là bệnh tan máu. Bệnh tan máu hình thành khi một người mẹ có nhóm máu Rh-(D) nhưng lại mang thai em bé có nhóm máu Rh+(D), lúc này các kháng thể trong máu người mẹ sẽ tấn công kháng nguyên (D) trong máu của đứa con, khiến đứa trẻ mắc bệnh tan máu Rhesus, gọi tắt là HDN (Haemolytic Disease of the Newborn) và chết khi mới sinh ra.

Nhờ phát hiện ra kháng thể Rho(D) trong máu của ông James Harrison, Bộ Y tế Úc đã bào chế ra được vắc xin Anti-D dùng để chữa bệnh tan máu Rhesus. Những mũi tiêm miễn dịch globulin Anti-D (tên thương mại của thuốc là RhoGAM) đã giúp cứu sống các đứa trẻ bị mắc bệnh Rhesus khi còn nằm trong bụng mẹ. Chính vì vậy, trong hơn 1.000 lần hiến huyết tương của mình, người ta đã ước tính rằng máu của ông James Harrison đã cứu sống được tới hơn 2.4 triệu trẻ em sơ sinh Úc bị mắc Rhesus, bao gồm cả cháu gái ruột của ông, bởi vì mọi trẻ sơ sinh Úc bị Rhesus nếu được tiêm RhoGAM thì đều là chế phẩm từ máu của ông James Harrison.

Để có thể hiến máu được tới 1.173 lần là một điều không tưởng, bởi vì ông James Harrison đã cần mẫn tham gia việc đó suốt 64 năm qua tới tận 82 tuổi, đều đặn 2 tuần/lần. Ngoài ra, cánh tay của ông đã trải qua hàng ngàn lần đâm kim để lấy máu, tức là hệ tĩnh mạch cánh tay của ông cực kì tốt và phục hồi cực nhanh thì mới chịu đựng được việc đó. Chính vì vậy, ông được người Úc trìu mến gọi là Người đàn ông có cánh tay vàng.

Tham gia lần hiến máu cuối cùng ngày 11/5 vừa qua, ông James Harrison nói “Hiến máu 1.173 là kỉ lục duy nhất mà tôi mong muốn có người phá được”, bởi lẽ lúc đó sẽ có người khác thay ông tạo ra những mũi tiêm Anti-D để tiếp tục cứu sống trẻ em bị Rhesus. Theo Bộ Y tế Úc, hiện tại chỉ có khoảng 200 người (trên tổng dân số 25 triệu người) ở Úc đủ điều kiện hiến huyết tương để sản xuất Anti-D.

XUÂN KỲ (Tổng hợp)

;
tạo biệt danh theo tên ago mom
.