Ngày 5/4, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tuyên bố, các nước Arab sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev để có thể ngừng ngay chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tham dự buổi họp báo ở thủ đô Moskva cùng người đồng cấp Nga Sergey Lavrov và Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit. |
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Moskva cùng người đồng cấp Nga Sergey Lavrov và Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit, Ngoại trưởng Ai Cập cho biết, nhóm liên lạc AL (gồm các đại diện từ Ai Cập, Jordan, Algeria, Iraq, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Sudan) đã khẳng định sự cần thiết tiếp tục đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Tuyên bố của ông Shoukry được đưa ra sau phiên tham vấn giữa nhóm liên lạc AL và Ngoại trưởng Lavrov dưới sự chứng kiến của Tổng thư ký AL.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập, các nước Arab mong muốn làm trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev nhằm bắt đầu xây dựng lòng tin và mở đường cho giải pháp chính trị bền vững cho cuộc khủng hoảng này.
Ông Shoukry khẳng định, giải pháp chính trị giữa Nga và Ukraine cần đạt được trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và chủ quyền của các quốc gia.
Nhóm liên lạc AL kêu gọi các bên liên quan ngừng leo thang căng thẳng và các hành động quân sự, ngay lập tức theo đuổi giải pháp hòa bình và ngoại giao dựa trên đối thoại.
Các đại diện của AL cũng trao đổi với phía Nga về cách thức khắc phục hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng và đảm bảo không gây tổn hại cho người dân trong khu vực và trên thế giới.
Về phần mình, Tổng thư ký AL, ông Aboul-Gheit nhấn mạnh, tác động kinh tế nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đối với nền kinh tế của các quốc gia Arab, trong đó có hoạt động nhập khẩu lúa mỳ, du lịch và kế hoạch phát triển.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 5/4, Nga đã nhấn mạnh quyết định của Đức - trục xuất nhiều nhà ngoại giao của nước này nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine - là "không thân thiện" và sẽ làm quan hệ song phương xấu đi.
Đại sứ quán Nga tại Berlin nêu rõ: "Việc cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại các cơ quan đại diện của Nga ở Đức một cách vô căn cứ sẽ thu hẹp không gian duy trì đối thoại giữa hai nước, dẫn đến quan hệ Nga - Đức ngày càng xấu đi".
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, nước này đã tuyên bố 40 nhà ngoại giao Nga là những người "không được hoan nghênh" và phải rời khỏi Đức trong vòng 5 ngày nữa.
Đây là phản ứng của Chính phủ Đức liên quan tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là ở thị trấn Bucha.
Trưa 4/4, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Nga tại Đức Sergei J. Nechayev tới để thông báo việc trục xuất 40 nhà ngoại giao Nga khỏi Đức.
Theo báo Spiegel, việc Đức quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga có khả năng tạo thêm căng thẳng ngoại giao giữa Moskva và Berlin. Chính phủ Đức cũng đã có những ý kiến khác nhau trong vấn đề trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Tiếp sau Đức, Pháp cũng thông báo nước này sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moskva sẽ đáp trả quyết định này của Pháp.
VIỆT KHOA