Ngày 29/3, đề xuất ngân sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden được công bố, trong đó kêu gọi dành 81,7 tỷ USD trong 5 năm để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. |
Đề xuất ngân sách của Nhà Trắng có nội dung: “Trong khi chống lại đại dịch COVID-19 đang diễn ra, Mỹ phải thúc đẩy những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và các năng lực cốt lõi để chuẩn bị đối phó với mối đe dọa sinh học tiếp theo và củng cố an ninh y tế của Mỹ và toàn cầu".
Tuy nhiên, ngân sách của Tổng thống Biden chỉ là một đề xuất và bất kỳ khoản tài trợ mới nào cho việc chuẩn bị cho đại dịch sẽ cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.
Theo đề xuất trên, khoảng 15 tỷ USD được tài trợ cho vắc xin, xét nghiệm và điều trị, vốn bị tước khỏi dự luật tài trợ của chính phủ vào đầu tháng này và đang bị đình trệ trong bối cảnh chưa thống nhất về cách thanh toán trong bối cảnh các nhà lập pháp đang tìm kiếm những cách mới để bù đắp cho khoản chi này.
Đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden cũng kêu gọi 40 tỷ USD cho việc phát triển và sản xuất vắc xin, phương pháp điều trị và xét nghiệm nhằm vào các mối đe dọa trong tương lai, trong khi 28 tỷ USD khác sẽ được chuyển cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) để giám sát, thúc đẩy năng lực phòng thí nghiệm và lực lượng lao động y tế công cộng.
Viện Y tế Quốc gia sẽ nhận được 12,1 tỷ USD cho nghiên cứu về vắc xin và các biện pháp khác, trong khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ nhận được 1,6 tỷ USD cho các phòng thí nghiệm và công nghệ thông tin của mình.
Ngân sách cũng kêu gọi 5 tỷ USD cho cơ quan Dự án Nghiên cứu nâng cao về sức khỏe (ARPA-H) mới được thành lập, tập trung vào nghiên cứu y tế trong các lĩnh vực như ung thư, vốn là ưu tiên của Tổng thống Biden.
Trước đây, chính quyền Biden từng đưa ra một kế hoạch trị giá 65 tỷ USD vào mùa thu 2021 để chuẩn bị cho đại dịch trong vòng từ 7-10 năm, nhưng Quốc hội Mỹ đã không hành động theo đề xuất đó.
ĐẠI THẮNG