IEA và Mỹ chung tay nỗ lực nhằm đưa giá dầu giảm xuống

Thứ Tư, 02/03/2022, 19:07 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà Trắng và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 1/3 thông báo Mỹ và các đồng minh đã nhất trí bán ra 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ của họ, giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo tìm cách giảm nhẹ tác động từ chiến dịch quân sự của Nga liên quan tới Ukraine đối với giá xăng dầu thế giới.

Các bể trữ dầu của Công ty quản lý hệ thống đường ống dẫn dầu Mỹ Colonial Pipeline ở Woodbine, bang Maryland.
Các bể trữ dầu của Công ty quản lý hệ thống đường ống dẫn dầu Mỹ Colonial Pipeline ở Woodbine, bang Maryland.

Trong thông báo sau cuộc họp bất thường cấp bộ trường giữa 31 thành viên của IEA, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết một nửa trong số trên sẽ đến từ kho dự trữ dầu chiến lược của nước này.

Một nửa còn lại sẽ đến từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á. Phía Mỹ cho biết việc xuất kho dự trữ chiến lược dầu mỏ nằm mục đích ổn định thị trường và ứng phó tình trạng gián đoạn nguồn cung liên quan đến tình hình Nga-Ukraine.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết số lượng “xả kho” cụ thể của các nước tham gia đợt này sẽ được công bố trong những ngày tới.

IEA cho biết 60 triệu thùng này chiếm 4% trong tổng số 1,5 tỷ thùng dầu dự trữ khẩn cấp do các thành viên nắm giữ, tương đương với mức 2 triệu thùng/ngày trong 30 ngày.

Song giới quan sát chỉ ra rằng con số trên chưa bằng mức tiêu thụ dầu một ngày trên toàn cầu, qua đó càng đào sâu mối lo ngại của thị trường về nguy cơ nguồn cung không đủ để bù đắp cho tình trạng gián đoạn ngày càng tăng.

Giới quan sát đang lo ngại việc tiếp tục gián đoạn xuất khẩu dầu từ Nga có thể khiến giá “vàng đen” tăng cao hơn nữa.

Nga là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, xuất khẩu khoảng 4 - 5 triệu thùng dầu thô và 2 - 3 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày.

Hồi tháng 11/2021, Mỹ đã thông báo bán ra 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ và cho biết Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh cũng sẽ có động thái tương tự. Song Trung Quốc, nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, chưa bao giờ chính thức cam kết thực hiện động thái này. Thay vào đó, họ đang mua vào nhiều hơn để dự trữ.

Thông tin về đợt “xả kho” mới nhất đã không thể hạ nhiệt đà tăng của giá dầu. Chốt phiên 1/3, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 7 USD (7,1%) lên 104,97 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.

Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 7,69 USD (8%) lên 103,41 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 7/2014, đồng thời ghi dấu mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2020.

HƯƠNG THỦY

;
.