Hàng năm, vào dịp tháng 3 và tháng 4, bao ký ức về những ngày cả nước ra trận, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước lại dội về. Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm đánh chủ nghĩa thực dân cũ cướp nước; cuộc kháng chiến tiếp theo kéo dài 20 năm chống chủ nghĩa thực dân mới xâm lược, thực hiện thống nhất nước nhà; tiếp đó là cuộc chiến tranh bảo vệ bờ cõi phía Tây Nam và biên giới phía Bắc. Để bảo vệ mình, Việt Nam buộc phải đánh thẳng vào sào huyệt chế độ diệt chủng ở Campuchia. Lúc đó, không ít quốc gia không hiểu (hoặc cố ý không hiểu), cho rằng Việt Nam xâm lược nước láng giềng. Chúng ta bị bao vây cấm vận. Và cuối cùng, chính nghĩa Việt Nam đã sáng tỏ như ban ngày, uy tín Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Bom đạn đổ xuống đất nước ta ngần ấy năm, hàng triệu người đổ máu hy sinh, hàng chục vạn gia đình mất người thân; đất nước chậm phát triển. Chiến tranh là tang thương, là chết chóc, nhưng dân tộc ta không thể không đương đầu, để đổi lấy độc lập tự do, non sông thu về một mối, thoát khỏi cảnh đời nô lệ.
Tình hình thế giới chuyển biến mau lẹ, khó lường. Hơn 2 năm trước có ai ngờ có một đại dịch COVID-19 tàn khốc đến như vậy, cướp đi sinh mạng hàng triệu người. Đến thời điểm này, đại dịch cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn chưa chịu buông tha. Và lúc này, thế giới lại đang nín thở theo dõi cuộc chiến giữa Liên bang Nga và Ukraine. Tổng thống Nga động binh mở chiến dịch quân sự đặc biệt gọi là loại trừ hiểm họa từ sườn phía Tây, thực hiện “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Mỹ và phương Tây đang chống lại nước Nga. Cuộc chiến quân sự trở thành cuộc chiến kinh tế - tài chính, Mỹ và phương Tây trừng phạt kinh tế nước Nga. Chiến tranh là tàn phá, chết chóc. Thời điểm này đã có hàng ngàn người thương vong; hơn 600.000 người di tản tới các quốc gia láng giềng lánh nạn.
Châu Âu là một trong những cái nôi văn minh của loài người, lục địa phát triển hàng đầu thế giới. Họ đã phải hứng chịu 2 cuộc chiến tranh tàn khốc của thế chiến I và II. Chiến tranh là thủ đoạn của chính trị, mọi cuộc chiến đều có nguồn gốc sâu xa của nó, có khi là mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, có khi là sự tính toán về lợi ích chiến lược, lợi ích kinh tế, lợi ích dân tộc của các siêu cường. Bom đạn trở thành công cụ để giải quyết những mâu thuẫn về quyền lợi bị đẩy đến mức cao nhất.
Mạng xã hội đang có những ý kiến trái chiều về cuộc chiến Nga - Ukraine. Thời gian và lịch sử là sự kiểm chứng đúng đắn về mọi lý giải. Thấu hiểu chiến tranh, chúng ta cầu mong các bên giảm leo thang căng thẳng, thực hiện đối thoại và đàm phán, mọi tranh chấp quốc tế được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Giảm thiểu sự tàn phá, tang thương và sự hy sinh của người dân, ngăn ngừa sự bùng phát có thể, về một cuộc chiến tranh lớn, khi xung đột vượt khỏi vòng kiểm soát?
Hòa bình luôn luôn là khát vọng cháy bỏng của mọi người, mọi nhà.
QUỐC TOÀN