Liên minh châu Âu (EU) nên chuẩn bị tinh thần đối mặt với những tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì Moskva hiện được cho sẽ có các biện pháp đáp trả.
Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell. |
Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell ngày 28/2 đã đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh EU đang áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Phát biểu họp báo sau cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng của các nước thành viên EU, ông Borrell nhận định cần phải nhìn nhận thực tế rằng các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra "phản ứng dữ dội" và EU phải chuẩn bị sẵn sàng để "trả cái giá lớn hơn nhiều trong tương lai".
Ông lưu ý vấn đề năng lượng sẽ không nằm ngoài cuộc xung đột giữa phương Tây và Nga bởi châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt và dầu của Moskva, do đó EU sẽ phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh sang năng lượng tái tạo.
Ngày 27/2 vừa qua, các ngoại trưởng của các nước thành viên EU đã đồng ý về khoản ngân sách 500 triệu euro (560,7 triệu USD) để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trước đó, 2 gói trừng phạt nhằm cô lập và làm suy yếu Nga đã được các ngoại trưởng EU nhất trí. Ông Borrell nhấn mạnh rằng, khi EU quyết định hỗ trợ quân sự cho Ukraine, EU đang chuyển từ một liên minh hòa bình sang một liên minh quân sự và đây là một bước ngoặt trong lịch sử hội nhập EU.
Cảnh báo của Đại diện Borrell được đưa ra trong bối cảnh EU và các đồng minh đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Ngày 28/2, trợ lý của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để ngỏ khả năng "sẽ có nhiều lệnh trừng phạt hơn" dự kiến được công bố "trong những ngày tới".
Cùng ngày, Mỹ và Canada thông báo cấm mọi giao dịch với ngân hàng trung ương Nga và lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức.
Đây là biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ nhằm vào Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Động thái mới này cùng với các biện pháp khác do các đồng minh tại châu Âu tiến hành, được cho là sẽ gây khó khăn cho ngân hàng trung ương Nga trong việc sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của mình để mua đồng ruble - đồng nội tệ của Nga vốn đã mất giá mạnh so với đồng USD và euro trên sàn giao dịch chứng khoán Moskva.
Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga, một tổ chức thuộc sở hữu của nhà nước Nga mà Moskva chủ yếu dùng để huy động vốn ở nước ngoài.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng ngày ban bố lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Ông cho biết, Ottawa cũng sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí chống tăng và bom, đạn, ngoài 3 lô hàng vũ khí trước đó.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mới đây tuyên bố nước này sẽ trừng phạt Belarus, chủ yếu tập trung vào Tổng thống Alexander Lukashenko và một số cá nhân khác ở nước này do liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ viện trợ nhân đạo khẩn cấp 100 triệu USD cho Ukraine.
THANH TÙNG