Sarah Biffin, nữ họa sĩ không tay và chân

Thứ Sáu, 25/02/2022, 17:48 [GMT+7]
In bài này
.

Từ khi sinh ra, Sarah Biffin không có cả hai tay và hai chân. Nhưng bằng miệng và răng, Biffin đã tự học vẽ rồi trở thành họa sĩ nổi tiếng. Mới đây, trong một cuộc đấu giá do nhà Sotheby’s, Anh quốc tổ chức, bức chân dung tự họa của Biffin được người mua trả tới 1,5 triệu USD…

Bức chân dung tự họa của Biffin.
Bức chân dung tự họa của Biffin.

Sinh năm 1784 trong một gia đình nghèo ở Somerset, Anh, Biffin chào đời mà không có cả hai tay lẫn hai chân. Tuổi thơ của Biffin trôi qua trong sự chăm sóc của cha mẹ. Ngoại trừ những lúc được mẹ bế ra sân, hầu như cả ngày cô đều nằm trên giường.

Lên 3 tuổi, Biffin được mẹ dạy đọc. 5 tuổi, cô tập viết bằng cách cắn chặt cây bút chì giữa hai hàm răng. Lúc 10 tuổi, khi gia đình chuyển đến London, Biffin bắt đầu vẽ, cũng bằng cây bút chì cắn giữa hai hàm răng. Bức họa đầu tiên được Biffin thực hiện bằng màu nước trên một tờ giấy trắng, kích thước 10x20cm, trong đó là một chiếc lông chim. Phía dưới Biffin viết dòng chữ: “Được vẽ bởi Biffin, ngày 6/8/1812”.

Chín năm sau, bức họa ấy được Peter Crofts, một nhà buôn đồ cổ bị cắt cụt hai chân trong một tai nạn, mua lại với giá 12.000USD (tương đương 750.000USD hiện nay). Theo Peter Crofts, ông cảm thấy có một mối liên hệ vô hình nào đó giữa ông và cô bé.

13 tuổi, Biffin đi theo một gánh xiếc do nghệ sĩ Emmanuel Dukes làm chủ. Để thu hút khán giả, Dukes quảng cáo Biffin là “một kỳ quan không chân  tay”, hoặc “kỳ quan thứ tám”. Mỗi lần biểu diễn, Biffin được đẩy ra sân khấu bằng một chiếc xe gỗ với thiết kế đặc biệt để cô có thể ngồi thẳng. Với cây cọ ngậm trong miệng, Biffin chấm đầu cọ vào dĩa màu nước rồi vẽ lên tấm giấy trắng. Phần lớn các bức vẽ của cô đều mô tả phong cảnh thiên nhiên và đều được khán giả mua lại với giá đồng hạng 3 giuneas mỗi bức (1/5 bảng Anh) nhưng số tiền ấy chạy hết vào túi Dukes. Sau này, Biffin cho biết trong suốt thời gian đi theo đoàn xiếc, cô đã vẽ khoảng 200 bức nhưng phần lớn đều đã thất lạc.

Trong một buổi đi xem xiếc, chứng kiến kỹ năng hội họa của Biffin, bá tước George Douglas đã đề nghị với Dukes, chủ rạp xiếc cho phép ông được bảo trợ cô bé và dĩ nhiên là ông phải trả một số tiền lớn vì Dukes cho rằng “Biggin là ngôi sao của đoàn xiếc. Sự  vắng mặt của cô ấy sẽ khiến doanh thu của chúng tôi sụt giảm”.

Rời khỏi đoàn xiếc, bá tước Douglas vận động Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh nhận Biffin vào học vì lúc bấy giờ, xã hội Anh quốc vẫn quan niệm những người tàn tật là người vô dụng. Thoạt đầu, đề nghị của Douglas bị Học viện từ chối nhưng với quyết tâm theo đuổi mục đích, bá tước Douglas nhờ một bạn thân của ông là hoàng tử Albert George IV, con vua George III, làm mẫu cho Biffin vẽ.

Kết quả là khi nhìn thấy bức họa chân dung mình, Albert George IV nói: “Đây là món quà tuyệt vời nhất trong tất cả những món quà mà tôi đã nhận được”. Không những thế, hoàng tử Albert George IV còn giới thiệu Biffin với cha mình rồi sau đó, những bức họa chân dung vua George III, Công tước Magarreta, xứ Wales, nữ công tước Catheriner xứ Kent cùng nhiều nhân vật hoàng thân quốc thích khác, ra đời.

Theo Biffin, trong suốt 4 năm học tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh, cô nhận ra rằng khả năng hội họa của mình chỉ là do thiên phú bởi lẽ càng học, cô càng nhận ra những lỗ hổng kiến thức, từ cách bố cục đến kỹ thuật phối màu. Sự cố gắng của cô cuối cùng cũng đã được đền đáp: Cô tốt nghiệp loại ưu trong tổng số 27 sinh viên. Tại lễ tốt nghiệp, Sir George Cadwell, giám đốc Học viện đã phát biểu: “Số phận đen tối đã ập lên đầu Biffin ngay từ khi cô ấy được sinh ra nhưng thay vì phải chịu đựng thì ở đây, Biffin đã tạo dựng hình ảnh cho chính mình. Bằng cách không đầu hàng nghịch cảnh với những nỗ lực phi thường, cô ấy đã trở thành họa sĩ và xứng đáng với tên gọi”.

Năm 1824, Biffin lấy William Stephen Wright sau nhiều lần từ chối lời cầu hôn của ông này vì cô hiểu rằng cô sẽ là gánh nặng cho William. Quả đúng như vậy, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài hơn 1 năm vì theo William “ngoài chuyện vẽ vời ra thì cô ấy chẳng làm nên tích sự gì. Tôi phải tốn tiền để thuê hẳn 3 người, chuyên hầu hạ cô ấy”. Biffin nói: “Cho đến lúc ấy, tôi mới nhận ra rằng William lấy tôi chỉ vì ông muốn chứng tỏ mình là người hào hiệp chứ chẳng phải vì ông thật sự yêu tôi”.

Năm 1827, người bảo trợ cho Biffin là Bá tước Douglas qua đời khiến cô mất chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất. Cũng trong năm đó, quản lý của Biffin đã lấy cắp phần lớn số tiền dành dụm được qua việc bán tranh khiến Biffin rơi vào cảnh nghèo túng. May mắn thay, khi biết được chuyện này, Nữ hoàng Victoria đã quyết định cấp cho Biffin một khoản lương hưu, cộng với sự giúp đỡ của nhà sưu tập Richard Rathbone nên Biffin sống yên ổn đến cuối đời. Bên cạnh đó, Biffin còn được Hiệp hội nghệ thuật Hoàng gia trao tặng huy chương vì những cống hiến cho nghệ thuật trong những điều kiện “không thể hình dung được”, và Viện Hàn lâm Hoàng gia ghi tên cô vào danh sách những người làm rạng rỡ cho nước Anh.

Biffin qua đời năm 1850 ở tuổi 66. Trong gần 50 năm “ngậm” cọ, Biffin đã để lại khoảng 600 bức vẽ, hầu hết đều đã thất lạc, một số khác được các nhà sưu tập cất giữ nhưng họ không công bố. Nhà văn Anh quốc nổi tiếng Charles Dickens, tác giả của những cuốn tiểu thuyết lừng danh như Oliver Twist, A Tale of Two Cities… cũng đã từng nhờ Biffin vẽ minh họa cho những tác phẩm của mình. Dickens nói: “Những hình vẽ của Biffin đã khiến cuốn sách của tôi sinh động hẳn lên. Phần lớn người đọc đều không biết rằng tác giả của những bức hình ấy không có cả tay lẫn chân. Phép mầu nào đã giúp cô ấy làm được như thế?”.

Năm 2019, sau một thời gian dài tìm kiếm những họa phẩm của Biffin, Công ty Sotheby’s đã tổ chức một buổi đấu giá, trong đó bức vẽ lông chim của Biffin được người mua trả 87.495 đô la, riêng bức chân dung tự họa Biffin vẽ năm 1821 có giá 1,5 triệu USD.

Nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng người Anh là Emma Rutherford nhận xét: “Tranh của Biffin chịu ảnh hưởng lớn của phong cách thời Phục hưng. Dù vẽ bằng miệng nhưng những đường nét tinh tế và cách phối màu của Biffin khiến người xem nhớ đến những thiên tài như Michelangelo, Raphael, Leonardo da Vinci, Botticelli…”. Danh họa Picasso lúc còn sống cũng đã nói sau khi xem một bức tranh của Biffin: “Nếu tôi không có chân tay như cô ấy thì có lẽ suốt đời, tôi chỉ là một… thợ vẽ!”.

VŨ CAO (Theo The Art)

;
.