Liên hợp quốc dự định sẽ sớm khởi động chương trình đổi hàng triệu USD sang đồng nội tệ Afghanistan trong tháng 2 để có nguồn tiền mặt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tại quốc gia Tây Nam Á này.
Chương trình đổi tiền mặt trên, hay gọi là Cơ chế Trao đổi Nhân đạo (Humanitarian Exchange Facility, viết tắt là HEF) là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh có tới gần nửa số dân Afghanistan, tương đương 20 triệu người, sống trong đói nghèo cùng cực và các hệ thống kinh tế, giáo dục cũng như dịch vụ xã hội của Afghanistan đều sắp sụp đổ.
Trong khi đó, việc tập hợp nguồn tài chính thông qua các kênh tài trợ nhân đạo cũng gặp khó khăn kể từ khi Taliban quay lại nắm quyền tại Afghanistan hồi cuối tháng 8/2021 do vướng các lệnh trừng phạt mà Liên hợp quốc và Mỹ đang áp đặt đối với Taliban.
Cơ chế HEF, nếu đi vào hoạt động, sẽ cho phép Liên hợp quốc, nhất là các cơ quan cứu trợ nhân đạo, tiếp cận với nguồn tiền do các doanh nghiệp tư nhân Afghanistan nắm giữ.
Đổi lại, Liên hợp quốc có thể sử dụng hàng chục triệu USD để chi trả cho các doanh nghiệp nước ngoài và từ đó hồi sinh ngành kinh tế tư nhân cũng như các hoạt động nhập khẩu thiết yếu. Tuy nhiên, cơ chế này cần có sự chấp thuận của ngân hàng trung ương của chính quyền Taliban mới có thể vận hành được.
Cũng theo Liên hợp quốc, cơ chế HEF sẽ chỉ là giải pháp tạm thời cho đến khi ngân hàng trung ương của Afghanistan bắt đầu hoạt động độc lập và lượng ngoại tệ dự trữ của Afghanistan ở nước ngoài (trị giá khoảng 9 tỷ USD đang trong các tài khoản ở Mỹ) được dỡ bỏ phong tỏa.
Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 10/2 nhấn mạnh, Liên hợp quốc luôn thúc đẩy những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo ở Afghanistan.
HẢI VÂN