.

Dập tắt ngọn lửa "Cổng địa ngục" ở Turkmenistan

Cập nhật: 20:12, 11/02/2022 (GMT+7)

Ngày 20/1/2022, Tổng thống Turkmenistan là ông Gurbanguly Berdymukhamedov đã kêu gọi các nhà khoa học trong và ngoài nước tìm ra giải pháp để dập tắt miệng khí mê tan Davraza, đường kính 75m, đã cháy suốt hơn 50 năm nay ở sa mạc Karakum. Miệng khí này được người dân Turkmenistan gọi là “Cổng địa ngục”.

Cổng địa ngục Davraza.
Cổng địa ngục Davraza.

Theo tạp chí Khoa học Đời sống - Life Science - từ năm 1960, các nhà địa chất Liên Xô trong quá trình thăm dò đã phát hiện một mỏ khí đốt với trữ lượng khoảng 18 tỉ m3 ở Davraza (sa mạc Karakum), cách thủ đô Ashgabat của nước cộng hòa Turkmenistan 260km về phía Bắc, nhưng mãi đến năm 1968 họ mới bắt đầu tiến hành lắp đặt giàn khoan để đưa vào khai thác.

Năm 1971, một tai nạn xảy ra khiến giàn khoan bị sập. Sau khi chuyển các thiết bị ra ngoài, các kỹ sư Liên Xô đã đốt khí mê tan ngưng tụ ở miệng giếng khoan vì lo ngại nó sẽ gây nguy hiểm cho dân cư trong vùng. Theo tính toán, nó sẽ chỉ cháy trong khoảng 2 ngày nhưng không ngờ rằng nó vẫn cháy đến tận hôm nay và miệng giếng khoan mở rộng ra đến 75m đường kính mà không có cách gì dập tắt được nó khiến người Turkmenistan gọi nó là “Cổng địa ngục”.

Theo nhà thám hiểm George Kourounis thuộc Hiệp hội địa lý Hoàng gia Canada, người đã đi bộ ngang qua “Cổng địa ngục” trên sợi giây cáp chống cháy, được giăng từ bên này sang bên kia, với bộ quần áo bảo hộ đặc biệt nối liền hệ thống cung cấp dưỡng khí thì khác với các miệng núi lửa, nơi có thể thấy những dòng dung nham nóng đỏ cuồn cuộn tuôn trào, còn “Cổng địa ngục” là một tập hợp gồm hàng nghìn ngọn lửa cháy bằng khí mê tan từ các mạch trong lòng đất thoát ra. Nhiệt độ đo được ở ngay trên miệng cổng là 4000C. Vào ban đêm, ánh sáng phát ra từ “Cổng địa ngục” có thể nhìn thấy từ cách đó 10km.

Năm 1980, các chuyên gia Liên Xô đã thử tìm cách dập tắt “ngọn lửa địa ngục” bằng biện pháp tương tự như dập tắt đám cháy ở giếng khoan dầu. Đó là sử dụng một khối chất nổ, cho nổ ngay trên miệng giếng. Ngay khi nổ, ngọn lửa tạo ra từ khối chất nổ sẽ hút hết nguồn khí oxy, là chất khí cần thiết cho sự cháy khiến lửa tắt. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, miệng giếng khoan dầu đường kính chỉ khoảng 0,5m trong lúc miệng “Cổng địa ngục” đường kính là 75m nên không thể áp dụng phương pháp này vì không khả thi.

Sergei Kurilov, nhà địa chất học Liên Xô thời điểm ấy cho biết: “Tôi đã thử đào một cái hố cách “Cổng địa ngục” khoảng 5m, nhưng khi đào xuống 3m thì thấy khí mê tan phun lên rồi bắt lửa. Điều đó có nghĩa là vùng đất chung quanh nó vẫn còn có rất nhiều mạch khí, nên nếu giả sử có thể thực hiện được một vụ nổ ngay trên miệng “Cổng địa ngục” thì không những sẽ không thể dập tắt được nó mà ngược lại, “Cổng địa ngục” sẽ mở rộng thêm ra…”.

Theo các nhà địa chất, phần lớn lãnh thổ Turkmenistan nằm trên đỉnh của một trong những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và tài nguyên này là nguồn thu chính của đất nước. Vì thế, ngày 20/1/2022, Tổng thống Turkmenistan là ông Gurbanguly Berdymukhamedov đã lên tiếng đề nghị nhà khoa học tìm cách dập tắt ngọn lửa ở “Công địa ngục”.

Tổng thống Berdymukhamedov nói: “Chúng ta đang mất đi nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà chúng ta có thể thu được lợi nhuận đáng kể. Lợi nhuận này sẽ được sử dụng để cải thiện đời sống cho người dân”, chưa kể khí mê tan khi cháy sẽ góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, anh hưởng đến sức khỏe của cư dân sống ở những khu vực lân cận.

Theo Phó Thủ tướng Shakhym Abdrakhmanov, người được Tổng thống Berdymukhamedov giao nhiệm vụ tập hợp các nhà khoa học Turkmenistan cùng các  các chuyên gia quốc tế để thực hiện việc dập tắt “Công địa ngục” thì đây là một nhiệm vụ rất khó khăn bởi lẽ chưa ai hình dung được cách làm thế nào để chế ngự ngọn lửa mà không lo lắng về việc nó sẽ tái bùng phát.

Nhà địa chất học Sergei Kurilov nói: “Ngay cả khi bạn đã dập tắt nó rồi bịt kín nó bằng bê tông, khí mê tan vẫn có khả năng tìm đường thoát lên mặt đất. Khi ấy tất cả những gì cần có chỉ là một tia lửa để đốt cháy trở lại”.

Cho đến nay, một số phương án đã được đưa ra. Với hãng General Pipeline (Mỹ), họ đề xuất dùng khoảng 20 chiếc xe bồn chứa chất chống cháy Al (OH)3, mỗi bồn 25.000 lít, đậu thành vòng tròn chung quanh miệng “Cổng địa ngục”. Sau đó, cả 20 xe đồng loạt phun chất chống cháy với tốc độ 10m khối/giây. Lúc Al (OH)3 tiếp xúc với ngọn lửa, các phản ứng hóa học sẽ khiến nhiệt độ hạ xuống rồi tạo ra sự bốc hơi, phá hủy oxy, phản ứng cháy sẽ bị triệt tiêu ở một mức độ nhất định.

Khi “Cổng địa ngục” đã tắt, bê tông đông kết nhanh sẽ được bơm vào, lấp kín miệng cổng. Tuy nhiên, khi tiến hành thử nghiệm trên mô hình, các nhà khoa học của General Pipelinec nhận ra rằng với nhiệt độ 4.0000C, chất chống cháy Al (OH)3 không tạo ra được phản ứng như mong muốn nên dự án phải dừng lại, chưa kể nếu có làm chăng nữa, khối bê tông nặng hàng trăm ngàn tấn có thể sẽ tạo ra sức ép chung quanh miệng “Cổng địa ngục”, tạo điều kiện cho các mạch khí mê tan lân cận phun lên.

Hiện tại, “Cổng địa ngục” vẫn là nơi thu hút khá đông khách du lịch quốc tế, nhất là sau khi Tổng thống Berdymukhamedov tuyên bố sẽ dập tắt nó. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, họ phải đi theo một tuyền đường nhất định dưới sự kiểm soát của hướng dẫn viên. Nhà thám hiểm George Kourounis thuộc Hiệp hội địa lý Hoàng gia Canada nói: “Nếu các khoa học gia bằng cách nào đó có thể dập tắt được ngọn lửa thì một trong những cảnh quan thiên nhiên độc nhất trên hành tinh sẽ vĩnh viễn biến mất nhưng mục đích dập tắt nó rất rõ ràng. Khí đốt mà Turkmenistan khai thác từ khu vực này sẽ mang lại doanh thu cao gấp nhiều lần so với doanh thu từ du lịch, chưa kể môi trường sẽ được cải thiện một cách hiệu quả...”.

VŨ CAO

(Theo Life Science)

 
.
.
.