WTO ủng hộ nhiều luận điểm của Hàn Quốc
Ngày 8/2, Ban hội thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra phán quyết ủng hộ nhiều tuyên bố của Hàn Quốc trong vụ tranh chấp thương mại với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến việc áp đặt thuế quan đối với các linh kiện và máy giặt dân dụng nhập khẩu.
Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế 20% đối với hạn ngạch nhập khẩu hằng năm là 1,2 triệu chiếc máy giặt và 50% đối với lượng máy giặt vượt hạn ngạch.
Theo kế hoạch ban đầu, chính sách này hết hạn vào năm 2021, song Washington đã gia hạn thêm 2 năm, với mức thuế 14% đối với hạn ngạch nhập khẩu hằng năm là 1,2 triệu chiếc và 30% đối với lượng máy giặt vượt mức quy định.
Đối với các linh kiện của máy giặt, mức thuế quan được áp đặt là 30%. Chính sách thuế quan này là một phần trong chính sách “Nước Mỹ trước tiên” mà chính quyền của Tổng thống Trump thúc đẩy trong nhiệm kỳ nhằm bảo vệ các hãng sản xuất thiết bị gia dụng của Mỹ như Whirlpool trước sự cạnh tranh của các đối thủ mạnh đến từ Hàn Quốc như Samsung và LG.
Đến tháng 5/2018, Seoul đã đệ đơn khiếu nại lên WTO, cho rằng chính sách này “phân biệt đối xử các sản phẩm của Hàn Quốc với sản phẩm của các nước thành viên WTO khác”.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc dẫn báo cáo mới của Ban hội thẩm WTO cho biết cơ quan này đã ra phán quyết ủng hộ luận điểm của Seoul về việc Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) không thể chứng minh việc tăng lượng máy giặt nhập khẩu từ Hàn Quốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp này của Mỹ. Đây là điều kiện để ban hành chính sách phòng vệ.
Cơ quan này cũng tuyên bố Hàn Quốc không vi phạm các quy định của WTO trong cả 5 vấn đề cốt lõi xung quanh vụ tranh chấp. Tuy nhiên, Ban hội thẩm WTO bác bỏ một số luận điểm của Hàn Quốc, trong đó cho rằng Washington đã không gửi báo cáo kịp thời lên WTO.
Trong một phản ứng đầu tiên, Hàn Quốc đã hoan nghênh phán quyết trên của Cơ quan Phúc thẩm WTO, đồng thời cho biết sẽ nỗ lực để giải quyết vấn đề này với Washington trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo quy định, Mỹ có thể nộp đơn kháng cáo trong vòng 60 ngày. Nếu không, vụ tranh chấp sẽ được kết thúc trong vòng 12 tháng theo các thủ tục liên quan. Do đó, nhiều khả năng Washington sẽ nộp đơn kháng cáo. Tuy nhiên, do Cơ quan Phúc thẩm WTO hiện không hoạt động do Mỹ ngăn cản việc bổ nhiệm thẩm phán tại cơ quan gồm 7 thành viên này, nên số vụ kiện bị vô hiệu về mặt pháp lý sẽ ngày một tăng.
HOÀNG CHÂU