Căng thẳng Nga-Ukraine đẩy giá dầu châu Á lên cao nhất trong hơn 7 năm

Thứ Hai, 14/02/2022, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Giá dầu tại châu Á phiên 14/2 tăng lên mức cao nhất trong hơn bảy năm, do lo ngại khả năng Nga tấn công Ukraine có thể dẫn tới các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, từ đó làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, khi thị trường đã bị thắt chặt.

Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu ở Basra, Iraq.
Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu ở Basra, Iraq.

Giá dầu Brent kỳ hạn giao dịch ở mức 95,56 USD/thùng vào lúc 9 giờ 35 phút (theo giờ Việt Nam), tăng 1,12 USD, hay 1,2%, sau khi chạm mức 96,16 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 1,28 USD, hay 1,4%, lên 94,38 USD/thùng, sau khi chạm mức 94,94 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Những phát biểu từ các quan chức Mỹ về khả năng Nga tấn công Ukraine đã khiến các thị trường tài chính biến động.

Theo nhận định của phía Mỹ vào ngày 13/2, Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ khi nào và đưa ra một lý do gây bất ngờ cho cuộc tấn công.

Nhà phân tích Edward Moya thuộc OANDA cho rằng nếu giao tranh nổ ra, giá dầu Brent sẽ dễ dàng vượt mốc 100 USD/thùng. Giá dầu vẫn sẽ rất biến động và nhạy cảm trước những tin tức mới về tình hình Ukraine.

Nga và Ukraine căng thẳng khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+), gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu sản lượng hàng tháng, dù cam kết tăng 400.000 thùng/ngày cho đến tháng 3.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định mức chênh lệnh giữa sản lượng của OPEC+ và mục tiêu đặt ra đã tăng lên 900.000 thùng/ngày trong tháng Một, trong đó mức chênh lệch của riêng OPEC theo JP Morgan là 1,2 triệu thùng/ngày.

LÊ MINH

;
.