Thế giới có hơn 278 triệu ca COVID-19 phục hồi

Chủ Nhật, 23/01/2022, 17:57 [GMT+7]
In bài này
.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 23/1, trên thế giới có tổng cộng 349.823.678 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.610.136 ca tử vong. Số ca hồi phục là 278.142.285 ca.

Người dân chờ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Algiers (Algeria).
Người dân chờ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Algiers (Algeria).

Thống kê của hãng tin Bloomberg cho thấy, 184 nước trên thế giới đã tiêm hơn 9,9 tỷ liều vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân, tương đương khoảng 36,4 triệu liều mỗi ngày. Với tốc độ tiêm vắc xin này, Bloomberg ước tính phải mất 4 tháng nữa, 75% dân số thế giới mới được tiêm ít nhất 1ột liều vắc xin.

Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vắc xin vẫn chưa được giải quyết. Tỷ lệ tiêm vắc xin tại các nước và khu vực có thu nhập cao nhất thế giới cao hơn gấp 10 lần so với các nước và khu vực có thu nhập thấp nhất.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ecuador Ximena Garzón khẳng định, chính phủ quốc gia Mỹ Latinh này cam kết ủng hộ quá trình sản xuất lâu dài vắc xin ngừa COVID-19, với mục tiêu bảo đảm quyền tiếp cận vắc xin một cách công bằng cho 9 quốc gia thành viên khối Diễn đàn vì sự tiến bộ và phát triển của Nam Mỹ (Prosur).

Trong bài phát biểu tại diễn đàn “Cơ hội và Hợp lực sản xuất vắc xin tại Nam Mỹ” do Prosur tổ chức, Bộ trưởng Garzón khẳng định, cần phải chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai, trong bối cảnh các nước Mỹ Latinh và Caribe gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất vắc xin ngừa COVID-19. Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Garzón nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin.

Bà Garzón xác nhận, Ecuador cam kết ủng hộ về mặt công nghệ và nhân lực trong mạng lưới cung cấp và phân phối vắc xin đang được xây dựng tại các quốc gia thành viên của Prosur. Ngoài ra, Chính phủ Ecuador hy vọng sớm đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất vắc xin tại nước này.

Trong khi đó, biến thể Omicron vẫn đang bùng phát mạnh mẽ trên thế giới. Báo cáo mới nhất của Viện Pasteur Algeria cho thấy, hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã vượt biến thể Delta, trở thành biến thể chính làm số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh mỗi ngày tại Algeria trong làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 hiện nay.

Hiện biến thể Omicron gây ra gần 60% tổng số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Algeria và dự kiến sẽ lên đến 90% trong vòng 2 tuần tới. Số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại Algeria đang tăng mạnh, trung bình tăng khoảng 400 ca so với một ngày trước đó. Cụ thể, ngày 22/1 Algeria ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước đến nay, với 2.211 ca cùng 13 ca tử vong.

Trước tình hình số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng hiện nay, các chuyên gia y tế đã kiến nghị lên chính phủ yêu cầu áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn, trong đó xem xét tái áp đặt lệnh giới nghiêm từng phần hoặc toàn phần ở một số định phương nhất định.

Chính phủ Algeria đã tái áp đặt nhiều biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh COVID-19, trong đó có đóng cửa trường học trên phạm vi toàn quốc trong vòng 10 ngày kể từ ngày 20/1, hoãn các chuyến công tác địa phương và hội họp của các thành viên chính phủ, yêu cầu chấp hành nghiêm các biện pháp y tế ngăn ngừa dịch bệnh... Ngoài ra, thủ đô Algiers đóng cửa các khu vui chơi giải trí và phố đi bộ, tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo, từ ngày 23/1 nước này siết chặt các biện pháp phòng dịch. Theo đó, các cuộc tụ tập sẽ giới hạn tối đa 100 người tại những nơi cho phép sử dụng giấy thông hành COVID-19.

Các dịch vụ khách sạn, nhà hàng được phép mở cửa song chỉ giới hạn tối đa 100 người và những khách đã đặt chỗ. Công sở vẫn mở cửa, song nhân viên có thể chọn phương án làm việc tại nhà, đồng thời yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở nhiều địa điểm trong nhà.

NGỌC HÀ

;
.