Thuốc điều trị COVID-19 "rất hứa hẹn" nhưng cũng đầy thách thức

Thứ Tư, 29/12/2021, 20:55 [GMT+7]
In bài này
.

Thuốc Paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer và thuốc Molnupiravir do Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép vào tuần trước.

Những loại thuốc viên này được đánh giá có thể thay đổi cục diện đối với những người dễ tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19, do có thể giúp họ tránh nguy cơ nhập viện và tử vong chỉ bằng cách đơn giản: uống thuốc trong 5 ngày, mỗi ngày 2 lần.

Các nhà nghiên cứu cho biết thuốc Paxlovid có hiệu quả tới 88-89% trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh trở nặng, khi dùng trong vòng 3-5 ngày đầu sau khi xuất hiện triệu chứng COVID-19. Trong khi đó, Molnupiravir cũng cho thấy hiệu quả, dù ở mức độ thấp hơn so với kỳ vọng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Mỹ cũng nhận định rằng ngoài việc trở thành bước đột phá đáng kể trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, hai loại thuốc kháng virus này cũng đi kèm một số cảnh báo đáng kể.

Những thách thức đó bao gồm thực tế là nguồn cung cấp thuốc của Pfizer rất hạn chế, trong khi phương pháp điều trị của Merck lại kém hiệu quả hơn so với kỳ vọng và những loại thuốc này không dành cho tất cả mọi người.

Cả hai phương pháp điều trị trên sẽ chỉ được áp dụng đối với những người có nguy cơ cao phải nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 - đó cũng chính là những nhóm đối tượng được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng đối với Paxlovid và Molnupiravir.

Ngoài ra, thuốc của Merck sẽ không được áp dụng đối với trẻ em hoặc người đang mang thai. Trong khi đó, thuốc của Pfizer được khuyến nghị không sử dụng cho những người có vấn đề về gan hoặc thận và có thể phát sinh các phản ứng phụ nếu tương tác với các loại thuốc khác cùng sử dụng trong quá trình điều trị.

Một bất cập nữa là khả năng tiếp cận các loại thuốc này. Cả Paxlovid và Molnupiravir đều cần được uống càng sớm càng tốt sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm có khi phải mất tới vài ngày. Thêm vào đó, chỉ các bác sĩ mới được phép kê đơn cho thuốc Paxlovid và Molnupiravir.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ có 65.000 liều thuốc của Pfizer sẵn sàng đưa vào sử dụng trong tháng 12/2021, trong khi 200.000 liều tiếp theo sẽ có vào tháng 1/2022, trong bối cảnh nước này dự báo sẽ có thêm hàng trăm ngàn trường hợp mắc bệnh do biến thể Omicron lan rộng. Vì vậy, số lượng thuốc phân bổ sẽ rất hạn chế.

Tình trạng thiếu hụt này có khả năng sẽ kéo dài trong ngắn hạn. Việc tạo ra thuốc kháng virus rất phức tạp và sẽ mất từ 6-8 tháng để tăng cường sản xuất, trong đó Pfizer dự kiến sẽ sản xuất 120 triệu liệu trình điều trị vào năm 2022.

Ngoài vấn đề nguồn cung, một thách thức khác nữa của Paxlovid là sự tương tác với các loại thuốc khác. Không phải tất cả các loại thuốc đều bị ảnh hưởng, nhưng một số loại - ví dụ như một số loại thuốc điều trị tim mạch và thuốc làm loãng máu, hay một số loại thảo dược có thể sẽ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị của thuốc kháng virus này. Theo đó, những người sử dụng thuốc của Pfizer sẽ cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ, để theo dõi các tương tác thuốc này.

Cũng trong ngày thuốc của Pfizer được FDA cấp phép, một nghiên cứu về Remdesivir được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy thuốc kháng virus liệu trình 3 ngày này có hiệu quả cao trong việc tránh nguy cơ nhập viện và tử vong nếu được sử dụng sớm khi mắc bệnh.

THANH PHƯƠNG

;
.