.

G7 cam kết tiếp tục đóng góp cho chương trình tiêm chủng thế giới

Cập nhật: 22:54, 13/12/2021 (GMT+7)

Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bế mạc tại TP. Liverpool (Anh) ngày 12/12 với cam kết tiếp tục đóng góp cho chương trình tiêm chủng của thế giới năm 2022 nhằm chấm dứt giai đoạn cấp tính của dịch COVID-19, đặc biệt tại những nước thu nhập thấp và trung bình.

Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chụp ảnh chung tại hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Liverpool (Anh) ngày 11/12/2021.
Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chụp ảnh chung tại hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Liverpool (Anh) ngày 11/12/2021.

Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, là sự kiện lớn cuối cùng do Anh tổ chức trong năm 2021 với tư cách Chủ tịch luân phiên của G7, gồm: Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản.

Dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Anh Liz Truss, hội nghị tập trung thảo luận vấn đề biến đổi khí hậu; bình đẳng giới; tiếp cận vắc xin công bằng; tài trợ dự án công nghệ và cơ sở hạ tầng trên thế giới; thịnh vượng và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, các vấn đề khác như: tình hình Myanmar, Afghanistan, Ethiopia, Triều Tiên, đàm phán hạt nhân Iran, căng thẳng ở phía tây Balkan... cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị.

Trong một tuyên bố sau hội nghị, Ngoại trưởng Liz Truss nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với nguy cơ từ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đồng thời khẳng định cam kết của G7 tiếp tục đóng góp cho chương trình tiêm chủng của thế giới nhằm cứu các sinh mạng và chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch.

Bà cho biết G7 đã đóng góp 657 triệu liều vắc xin cho thế giới kể từ Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 ở Cornwall (Anh).

G7 cũng cam kết cùng hợp tác nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng vắc xin thông suốt; mở rộng sản xuất vắc xin tại các khu vực trên thế giới; bảo đảm phân phối công bằng, minh bạch và đúng hạn các loại vắc xin có chất lượng cũng như các phương pháp chẩn đoán, điều trị COVID-19 và các sản phẩm y tế khác.

Về biến đổi khí hậu, các ngoại trưởng G7 hoan nghênh thỏa thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và thừa nhận nguy cơ nghiêm trọng về an ninh do biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái suy thoái gây ra đối với tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo và chịu tổn thương nhất.

Các ngoại trưởng cam kết tiếp tục hợp tác thúc đẩy và tăng cường hành động nhằm đảm bảo đạt mục tiêu giữ mức gia tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,50C trước Hội nghị COP27 vào năm sau.

Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Truss cho biết G7 tái khẳng định sự ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, thịnh vượng và tuân thủ luật pháp quốc tế tại khu vực Đông Nam Á.

G7 khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác với ASEAN nhằm huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế và các ngân hàng phát triển đa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạn tầng trên toàn cầu, và thảo luận về việc phát triển các dự án hợp tác với khu vực tư nhân để đáp ứng các nhu cầu quan trọng về cơ sở hạ tầng tại các quốc gia thành viên ASEAN.

G7 cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy cung cấp vaccine và hỗ trợ các sáng kiến nhằm phát triển thêm các loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả, đồng thời thảo luận với ASEAN về cách thức hợp tác giữa hai bên, bao gồm thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, để củng cố năng lực ứng phó của khu vực đối với đại dịch thông qua chia sẻ vắc xin, củng cố chuỗi cung ứng, mở rộng năng lực sản xuất thông qua cấp phép sản xuất, chuyển giao công nghệ và triển khai vaccine minh bạch tại các quốc gia ASEAN.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc hợp tác số, công nghệ và an ninh mạng, đặc biệt trong việc ứng phó và phục hồi sau đại dịch, cũng như bảo đảm an ninh và thịnh vượng của khu vực, đồng thời tái khẳng khẳng định cam kết chung trong việc ứng xử có trách nhiệm trong không gian mạng, bao gồm việc áp dụng luật pháp quốc tế, hỗ trợ xây dựng năng lực mạng.

Đây là lần đầu tiên các quốc gia ASEAN dự hội nghị G7, mặc dù nhiều nước tham dự trực tuyến do đại dịch COVID-19. Động thái này được xem là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của G7 đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN.

Việc Ngoại trưởng Truss mời các nước ASEAN tham dự Hội nghị cũng cho thấy Anh muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Á, như một phần của chiến lược hướng tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy thương mại của Anh tại khu vực sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU) năm ngoái.

Hội nghị tại Liverpool là hội nghị thứ 2 của các Ngoại trưởng G7 trong năm nay, sau hội nghị vào tháng 5 tại London. Hội nghị được xem là cuộc gặp “làm quen” của bà Annalena Baerbock, Ngoại trưởng mới của Đức, nước sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên G7 vào năm tới.

Hội nghị cũng là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tham dự sau khi được bổ nhiệm vào tháng trước.

Các quốc gia khách mời khác tại hội nghị gồm Hàn Quốc, Australia, Nam Phi và Ấn Độ, trong đó Hàn Quốc và Australia tham dự trực tiếp.

Các đại biểu và báo giới tham dự hội nghị phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 hằng ngày và đeo khẩu trang tại sự kiện, trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng tại Anh.

MINH HỢP

.
.
.