Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã phê duyệt sử dụng liệu pháp hỗn hợp kháng thể cho đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin như một biện pháp ngăn ngừa mắc COVID-19.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Sapporo (Nhật Bản). |
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các chuyên gia tại cuộc họp diễn ra ngày 4/11, bộ trên đã phê duyệt sử dụng liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” gồm 2 loại kháng thể trung hòa là “casilibimab” và “imdevimab” vào mục đích ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đối tượng được chỉ định sử dụng liệu pháp này sẽ được mở rộng thêm gồm bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc người chưa tiêm vắc xin.
Bên cạnh đó, phương pháp thực hiện cũng được bổ sung là tiêm dưới da, thay vì truyền tĩnh mạch như hiện nay vốn mất nhiều thời gian hơn.
Đại diện hãng dược phẩm Chugai, đơn vị được cấp phép phân phối tại Nhật Bản, cho biết kết quả thử nghiệm được thực hiện ở nước ngoài đã cho thấy liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” đã giảm tới 81% nguy cơ nhiễm bệnh hoặc bệnh chuyển biến nặng.
Trước đó, liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” đã được MHLW phê duyệt điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế từ cuối tháng 7, sau đó mở rộng thêm đối tượng điều trị tại nhà từ giữa tháng 9.
Hai loại kháng thể này được đưa vào cơ thể người bệnh thông qua truyền tĩnh mạch nên đòi hỏi phải có các nhân viên y tế và phải có hệ thống giám sát tình trạng của bệnh nhân trong vòng 24 giờ nếu điều trị tại nhà.
Như vậy, đây là liệu pháp hỗn hợp kháng thể phòng ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt sử dụng tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, MHLW cho biết phương pháp này chỉ mang tính bổ sung, tiêm chủng vắc xin vẫn là giải pháp phòng dịch cơ bản nhất hiện nay để ngăn ngừa sự lây nhiễm của dịch COVID-19.
PHẠM TUÂN