Gần 12 triệu tài liệu trong Hồ sơ Pandora vừa được tiết lộ đã cho thấy một số người giàu có và lãnh đạo thế giới đã giấu tài sản của mình như thế nào.
Theo tờ The Guardian, so với hồ sơ Panama và Paradise trước đây, hồ sơ Pandora có quy mô lớn nhất với 2,94 terabyte dữ liệu được tiết lộ. Nguồn dữ liệu và khu vực địa lý cũng lớn hơn hai vụ rò rỉ dữ liệu trước đó.
Hồ sơ gồm 12 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính ở các nơi như quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Belize, CH Síp, UAE, Singapore và Thụy Sĩ. Số tài liệu này được Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) thu thập và chia sẻ với trên 650 phóng viên từ trên 100 tờ báo.
Hồ sơ Pandora cho thấy có nhiều lãnh đạo thế giới, chính trị gia và tỷ phú đã sử dụng các tài khoản ở các thiên đường thuế nhằm tích lũy tài sản và thực hiện các giao dịch. Hồ sơ cũng vạch trần tình hình tài chính bí mật của trên 300 quan chức công như các bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng, tướng lĩnh quân đội ở trên 90 quốc gia. Ngoài các quan chức, trên 100 tỷ phú đã được nhắc tên trong số tài liệu bị rò rỉ. Nhiều người nổi tiếng, ngôi sao nhạc rock, lãnh đạo doanh nghiệp cũng xuất hiện trong hồ sơ Pandora.
Nhiều người đã sử dụng các tài khoản ngân hàng ẩn danh, các công ty vỏ bọc để nắm giữ các tài sản đắt tiền như bất động sản, thuyền buồm. Các tài sản bị che giấu còn có các tác phẩm nghệ thuật như tranh của Picasso, bích họa của Banksy hay đồ cổ được đánh cắp từ Campuchia.
Hồ sơ Pandora đã mở ra một cách cửa hiếm hoi, giúp dư luận nhìn vào thế giới tài chính ngầm, các hoạt động ngầm của nền kinh tế tại các quốc gia có mức thuế thấp. Ở đó, một số người thuộc hàng giàu nhất thế giới che giấu tài sản và trong một số trường hợp, họ đóng rất ít thuế hoặc không đóng thuế.
Hồ sơ Pandora gồm một loạt thư điện tử, biên bản ghi nhớ, hồ sơ sáp nhập, chứng chỉ cổ phiếu, hồ sơ tuân thủ nguyên tắc và các biểu đồ phức tạp cho thấy cơ cấu mê cung của các doanh nghiệp vỏ bọc. Lần đầu tiên, người ta có thể chỉ đích danh chủ sở hữu thực sự của các doanh nghiệp vỏ bọc.
Thành lập hoặc hưởng lợi từ các thực thể ở những nơi thuế thấp không phải là việc bất hợp pháp và trong một số trường hợp, người ta có lý do hợp pháp để làm điều đó, ví dụ như vì an ninh. Tuy nhiên, nhờ tính bí mật mà các thiên đường thuế lại rất hấp dẫn những người có mục đích trốn thuế, gian lận thuế, rửa riền. Một số vụ việc đã bị phanh phui trong Hồ sơ Pandora.
Một số công ty và cá nhân giàu có đã cất tài sản ở các thiên đường thuế nhằm tránh phải đóng thuế. Đây là một hoạt động hợp pháp nhưng khiến các chính phủ thất thu hàng tỷ đô la Mỹ doanh thu thuế.
Sau 18 tháng phân tích dữ liệu, các tờ báo sẽ đăng dần kết quả nghiên cứu trong những ngày tới, bắt đầu bằng việc tiết lộ những phi vụ tài chính ở thiên đường thuế của một số lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.
Theo TTXVN