.

Herbert Nitsh - Người lặn sâu nhất thế giới mà không cần bình oxy

Cập nhật: 20:01, 15/10/2021 (GMT+7)

Được mệnh danh là “người lặn sâu nhất thế giới mà không cần bình oxy”, Herbert Nitsch, công dân Áo đã xuống đến độ sâu 253,2m ổ vùng biển Spetses, Hy Lạp, hồi tháng 6/2007. Cho đến nay, Herbert Nitsch giữ 33 kỷ lục của thế giới về lặn sâu, trong đó có kỷ lục nín thở suốt 9 phút 4 giây.

Herbert Nitsch sau khi hồi phục trong lần lặn sâu 253,2m.
Herbert Nitsch sau khi hồi phục trong lần lặn sâu 253,2m.

Là vận động viên tự do người Áo, Herbert Nitsch sinh ngày 20/4/1970 và đã từng là phi công cho Hãng hàng không Tyrolean Airways. Ông nói: “Ngay từ lúc lên 6 tuổi tôi đã thích bơi lặn. Trong cái bể bơi bé tí ở nhà tôi, có lần tôi lặn hơn 1 phút khiến mẹ tôi cứ tưởng tôi chết đuối. Từ trên bờ, bà để nguyên quần áo nhảy xuống, vừa lôi tôi lên vừa la hét gọi cha tôi. Tới chừng thấy tôi mở mắt ra cười, bà đã phát vào mông tôi một cái đau điếng”.

Năm 2001, kỷ lục thế giới đầu tiên mà Nitsch đạt được là lặn sâu 131m. Tiếp theo, Nitsch lại đoạt kỷ lục với 4 tiêu chí do Liên đoàn bơi lặn thế giới quy định: Đó là ngưng thở tĩnh (nghĩa là ngưng thở trong trạng thái toàn thân không hoạt động), ngưng thở động (ngưng thở khi vẫn đang lặn), chìm tự do (ngưng thở để cho thân thể tự chìm xuống) và ngưng thở động nhưng không mặc quần áo lặn. Tiếp theo, năm 2002, ông tự phá kỷ lục của chính mình về “lặn không giới hạn” với độ sâu 214m. Tất cả đều không dùng bình oxy.

Với các thợ lặn không sử dụng bình oxy, điều nguy hiểm nhất với họ là hiện tượng nhiễm độc nitơ máu. Nó xảy ra khi lặn sâu quá 18m. Khi ấy, khí nitơ trong máu sẽ hình thành các bong bóng nitơ, đi vào phổi và vào các mô trong cơ thể như bắp tay và đùi. Nếu vì hoảng sợ hoặc mất tự chủ, thợ lặn ngoi lên mặt nước quá nhanh, họ sẽ gặp hiện tượng thoạt đầu là suy giảm trí nhớ, co giật, sau đó là tê liệt tay chân rồi tê liệt toàn thân. Nếu may mắn sống sót, họ cũng bị liệt suốt cả phần đời còn lại.

Chính vì vậy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, các hiệp hội bơi lặn cấm những người lặn giải trí không bình oxy không được xuống sâu quá 12m, còn từ 12m đến 30m thì bắt buộc phải có chứng chỉ lặn. Từ 40m trở lên phải có bình oxy và phải có huấn luyện viên lặn kèm nếu người lặn chưa có chứng chỉ xác nhận đã sử dụng thành thạo hệ thống dưỡng khí.

Trở lại kỷ lục lặn sâu của Herbert Nitsch, sau thời gian tập luyện với một thiết bị được gọi là “ngư lôi”, có tác dụng kéo ông xuống nước thật nhanh thì 9 giờ sáng ngày 6-6-2007, Nitsch xuất phát trên biển Spetses, Hy Lạp cùng với một số thiết bị đo độ sâu, theo dõi nhịp tim, kiểm soát thân nhiệt và một quả bóng không hơi, 1 bình khí nén. Theo tính toán, trước lúc nổi lên, Nitsch sẽ kích hoạt bình khí nén khiến quả bóng căng phồng, giúp ông đủ lượng oxy để thở khi lên đến mặt nước. Chỉ trong 9 phút, Nitsch đã xuống sâu 253,2m và 4 giây sau, lúc chuẩn bị ngoi lên, ông mới kích hoạt quả bóng oxy. Tổng cộng thời gian Nitsch nín thở để đạt đến độ sâu kỷ lục thế giới là 9 phút 4 giây.

Xuống nhanh, lên chậm, đó là nguyên tắc của tất cả mọi thợ lặn nhằm ngăn cản khí nitơ trong máu hình thành các bong bóng nitơ, giết chết thợ lặn hoặc khiến họ tàn tật suốt đời. Phải mất 3 giờ 37 phút Nitsch mới lên được tới mặt nước nhưng ông vẫn xuất hiện những triệu chứng giảm áp. May mắn là khi được đưa vào buồng giải nén, ông đã hồi phục, trái với những tiên đoán của các chuyên gia là ông sẽ phải ngồi xe lăn một thời gian dài. Nhắc lại chuyện này, ông nói: “Kế hoạch ban đầu của tôi là cứ lên được 10m thì sẽ dừng lại 1 phút để giải nén nhưng khi lên được 100m, tôi có cảm giác choáng váng, mất khái niệm về thời gian nên tôi đã bỏ qua giai đoạn giải nén. Lúc gần lên tới mặt nước, tôi đột ngột tỉnh lại. Để tránh hiện tượng giảm áp đột ngột, tôi quay xuống độ sâu 10m rồi ở lại đó 20 phút. Đến lúc đã hoàn toàn ở trên bờ, đội cấp cứu nhanh chóng đưa tôi vào buồng giải nén ở bệnh viện Athens…”.

Từ đó đến năm 2012, Nitsch liên tiếp lập thêm nhiều kỷ lục thế giới ở 8 hạng mục theo tiêu chuẩn của Hiệp hội lặn biển thế giới. Tổng cộng ông đã lặn sâu không oxy 34 lần, lần sâu ít nhất là 62m trong điều kiện không quần áo bảo hộ, không chân vịt, trên người chỉ có mỗi chiếc quần bơi! Các khảo sát y học cho thấy não của Nitsch có thể chịu được sự thiếu oxy toàn bộ trong khoảng 10 phút, khác với người bình thường, chỉ cần thiếu oxy 3 đến 5 phút là các tế bào thần kinh sẽ bị hủy hoại không phục hồi, gây ra tổn thương vĩnh viễn khiến người đó sống đời sống thực vật. Tương tự như vậy, hiện tượng phổi thiếu oxy ở Nitsch cũng có thể kéo dài 10 phút mà không gây ra những hậu quả do suy hô hấp, chưa kể nhịp tim của Nitsch khi lặn chỉ đập 30 đến 40 nhịp/phút trong lúc bình thường nó là 80.

Sau năm 2012, Nitsch giải nghệ. Hiện tại, ông sống bằng nghề thiết kế tàu thuyền - kể cả tàu ngầm. Trả lời câu hỏi của Tạp chí Divers (Thợ lặn) rằng vì sao ông không mở trường dạy lặn, Nitsch đáp: “Dạy cho ai đó biết lặn thì dễ, nhưng họ có lặn được hay không mới là vấn đề”.

Năm 2098, nhà thiên văn học người Italia là Vincenzo Casulli khi phát hiện tiểu hành tinh mã số 295471 theo quy ước của Hiệp hội thiên văn thế giới, đã lấy tên của Herbert Nitsch đặt tên cho tiểu hành tinh này để vinh danh người lặn sâu nhất thế giới. Từ đó trên bản đồ thiên văn, nó được gọi là tiểu hành tinh Herbertnitsch.

VŨ CAO
(Theo Divers)

.
.
.