Ấn Độ sẽ gia tăng đáng kể xuất khẩu vắc xin
Ấn Độ mới đây đã nối lại việc xuất khẩu một lượng nhỏ vắc xin COVID-19 và sẽ gia tăng đáng kể hoạt động xuất khẩu trong vài tháng tới khi nguồn dự trữ trong nước tăng lên và nhu cầu tiêm chủng giảm dần.
Đại sứ quán Ấn Độ tại Tehran cho biết, công ty Ấn Độ Bharat Biotech đã chuyển một triệu liều vắc xin Covaxin do hãng này sản xuất đến Iran vào tuần trước. Ấn Độ cũng đã cung cấp vắc xin cho Nepal sau khi New Delhi quyết định nối lại xuất khẩu vắc xin và tập trung nỗ lực này vào các quốc gia láng giềng.
Đến nay Ấn Độ đã xuất khẩu trở lại khoảng 4 triệu liều vắc xin COVID-19. Con số này khá khiêm tốn so với nỗ lực ngoại giao vắc xin tích cực được Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phát động đầu năm, trước khi làn sóng COVID-19 thứ hai bùng lên tại Ấn Độ và buộc nước này phải đình chỉ việc xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông V.K. Paul, người đứng đầu ủy ban đặc trách của Chính phủ Ấn Độ về phòng chống COVID-19, giờ đây khi 3/4 số người trưởng thành đã tiêm 1 liều và 1/3 (người trưởng thành) đã tiêm mũi 2, Ấn Độ đã sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu về vắc xin của các nước. Ông nhấn mạnh: “Khi nhu cầu của Ấn Độ được đáp ứng, trong tương lai kho dự trữ vắc xin COVID-19 sẽ trở nên dồi dào hơn”.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đang sản xuất 220 triệu liều Covishield (của AstraZeneca)/tháng, tăng từ 150 triệu trong tháng 8. Trong khi đó, Bharat Biotech đang cung cấp 30 triệu liều/tháng và dự kiến con số này sẽ tăng lên 50 triệu trong tháng tới. Ông Paul nhấn mạnh: “Có thể hình dung về một lượng lớn vắc xin có sẵn trong năm tới. Chúng tôi kỳ vọng vắc xin sản xuất tại Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với đại dịch này trên thế thế giới”.
Ấn Độ là nước sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới. Ông Paul cho biết thêm, nước này sẽ vượt mốc tiêm 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 trong 2-3 ngày tới kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành hồi tháng 1/2021. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Ấn Độ không có kế hoạch tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho dù nguồn cung trong nước đang gia tăng.
HUY LÊ