Kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 18, hai bên đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra và đẩy nhanh quá trình phục hồi hậu đại dịch tại khu vực ASEAN và Ấn Độ.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ tham gia Hội nghị theo hình thức trực tuyến. |
ASEAN hoan nghênh các cơ hội thúc đẩy hợp tác thiết thực với Ấn Độ trong các lĩnh vực ưu tiên được xác định trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), cụ thể là hợp tác hàng hải, kết nối, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và kinh tế, cũng như các lĩnh vực ưu tiên hợp tác khác, nhằm thúc đẩy sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, cũng như đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Trên tinh thần đó, hai bên thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về hợp tác trong khuôn khổ AOIP vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế ASEAN-Ấn Độ, bao gồm thông qua việc tăng cường khai thác và thực hiện hiệu quả Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA); nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đối tác kết nối ASEAN-Ấn Độ và mong muốn thúc đẩy hợp tác kết nối vật lý và kỹ thuật số trong khu vực. ASEAN mong muốn Ấn Độ tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bất cứ khi nào nước này sẵn sàng.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, quản lý thiên tai, y tế công cộng, phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, thành phố thông minh, đào tạo nghề và hướng nghiệp, và thực tập dành cho thanh niên trong các lĩnh vực hợp tác chiến lược như y tế công cộng.
Hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, cũng như nâng cao năng lực của khu vực và tiểu vùng về quản lý thiên tai, thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Nhân dịp này, hai bên cũng hoan nghênh việc chọn năm 2022 là “Năm Hữu nghị ASEAN-Ấn Độ” nhằm kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ và mong muốn hiện thực hóa các chương trình và hoạt động được đề xuất nhằm kỷ niệm sự kiện quan trọng này.
HỮU CHIẾN