Malaysia mở cửa trở lại "thiên đường du lịch" Langkawi
Từ ngày 16/9, “Thiên đường du lịch” Langkawi của Malaysia sẽ đón du khách trở lại. Đây là thông tin được Chính phủ Malaysia công bố trong kế hoạch “sống chung” với dịch bệnh và nỗ lực cải thiện một phần nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Đảo Langkawi luôn có mặt trong top những hòn đảo lãng mạn nhất hành tinh. |
Vì sao chọn Langkawi?
Nhóm đảo Langkawi luôn có mặt trong top những hòn đảo lãng mạn nhất hành tinh. Langkawi gồm 99 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó có 5 đảo chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống. Và đảo Langkawi được xem như một viên ngọc quý của bang Kedah, mang vẻ đẹp tự nhiên, quyến rũ đại diện cho du lịch biển Malaysia.
Langkawi nằm ở phía Bắc Malaysia, cách trung tâm thủ đô Kuala Lumpur khoảng 1 giờ bay. Trên đảo có khoảng 45 ngàn dân. Hệ sinh thái trên đảo đa dạng, cùng với các đặc điểm địa chất hiếm gặp trên đất liền Malaysia. Các đảo nhỏ nằm trong quần đảo Langkawi cũng được bảo tồn tốt với hệ thống rừng nguyên sinh và nhiều loài động vật quý hiếm.
Vì hệ sinh thái gần như được giữ gìn nguyên vẹn nên Langkawi được mệnh danh là hòn đảo ngọc của Malaysia. Khách du lịch có thể trải nghiệm những không gian khác nhau, từ lên núi ngắm cảnh tới vào rừng ngập mặn và lặn biển. Trong đó bãi biển Cenang với chiều dài hơn 10km cát trắng phau để du khách nằm dài trên biển ngắm hoàng hôn và tham gia vào các môn thể thao dưới nước đầy hấp dẫn như: lướt ván, lặn biển, đua thuyền. Công viên sinh thái Kilim được Unesco công nhận là công viên địa chất lớn nhất châu Á có hệ động thực vật phong phú để du khách khám phá. Ngoài ra, cầu Sky dài 125m, cao 700m nằm trên đỉnh Gunung Mat Chinchang bao quát khung cảnh bao la, rộng lớn của Langkawi và là điểm hẹn hò lý tưởng và lãng mạn dành cho các cặp đôi.
Bên cạnh vẻ ngoài quyến rũ, Langkawi còn là khu vực miễn thuế với những khu mua sắm sầm uất, trở thành thiên đường mua sắm thu hút du khách vì giá của các mặt hàng miễn thuế rẻ hơn rất nhiều so với những khu vực khác.
Ẩm thực Langkawi cũng phong phú, đa dạng không thua kém so với đất liền, đủ chiều lòng du khách. Ngoài các món ăn theo phong cách đạo Hồi đặc trưng thì ở Langkawi còn phục vụ khách du lịch giá rẻ với món Thái, Hoa hoặc đắt hơn là món Tây. Du khách sẽ phải lưu luyến với hương vị của pizza Kelapa kèm sốt cà chua, phô mai mozzarella, thêm chút hành, sả, hoa gừng, ớt, rau mùi, chanh tươi và thịt gà hay đơn giản như món thịt xiên nướng cay truyền thống nổi tiếng của Malaysia.
Với đầy đủ hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa, ẩm thực phong phú nên Langkawi luôn thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng du lịch. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Malaysia đón xấp xỉ gần 30 triệu lượt du khách vào năm 2019.
Không thể đóng cửa mãi
Cũng giống như nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á, Malaysia cũng trải qua nhiều đợt sóng dịch COVID-19 bùng phát buộc quốc gia này phải hạn chế các hoạt động giao thương và đóng cửa du lịch để ngăn dịch bệnh xâm nhập. Thế nhưng trước sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2, xác định COVID-19 sẽ tồn tại ngay cả với tỷ lệ tiêm chủng cao, đầu tháng 9, Chính phủ Malaysia đã công bố kế hoạch dài hạn để ứng phó COVID-19 sau một năm đóng cửa liên tục ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Trong kế hoạch chuẩn bị cho cuộc sống đồng hành với COVID-19, Malaysia sẽ mở cửa du lịch theo mô hình “hộp cát” của Phuket (Thái Lan) đến hòn đảo phía bắc Langkawi bắt đầu từ ngày 16/9. Kế hoạch dự kiến sẽ được giới hạn cho khách du lịch địa phương đã được tiêm phòng đầy đủ. Các điểm đến khác sẽ được phép hoạt động trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng địa phương đạt mốc 80%.
Thực tế Malaysia vẫn ghi nhận số ca mắc mới dao động gần 20.000 mỗi ngày. Malaysia đang tích cực tăng cường tiêm chủng cho người dân. Theo Bộ Y tế quốc gia này, hơn 84% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, 64% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Quốc gia này cũng đến hết tháng 9 tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở người lớn trên toàn quốc sẽ đạt 80% và 100% vào cuối tháng 10.
Thủ tướng Ismail và Bộ trưởng Y tế Khairy Malaysia cảnh báo rằng COVID-19 giờ sẽ trở thành bệnh đặc hữu, và số ca nhập viện chứ không nhất thiết phải là số ca nhiễm hàng ngày, sẽ là thước đo của Malaysia về ứng phó dịch bệnh trong tương lai. Bộ trưởng Y tế Malaysia nhấn mạnh sẽ xét nghiệm thường xuyên, bắt buộc đeo khẩu trang và cách ly tại nhà những người bị nhiễm virus. “Chúng ta cần phải chấp nhận một thực tế rằng mặc dù chúng ta đã kiểm soát được đại dịch này, nhưng sẽ có lúc COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu và như vậy, chúng ta phải thực hiện các bước để sống chung với virus”, ông Khairy nói.
KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)