Tìm cách sống chung an toàn với COVID-19
Với sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh, cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới bước sang giai đoạn mới.
Các quốc gia đang tích cực phủ vắc xin để sống chung an toàn với dịch COVID-19. |
Thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus” đặt ra hơn 1 năm trước, một số quốc gia đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh. Người dân cũng được khuyến khích thay đổi nhận thức về đại dịch, nếu bị nhiễm thì tìm cách không để bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong.
Những thay đổi này bắt nguồn từ thực tế rằng một số nước có độ bao phủ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hàng đầu thế giới đang chứng kiến số ca mắc tăng trở lại ở mức báo động, khi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện.
Hơn 1 tháng sau khi dỡ bỏ tất cả các quy định hạn chế chống COVID-19 vào tháng 7 vừa qua, nước Anh ghi nhận khoảng 25.000 ca mỗi ngày. Mỹ, nước đã đạt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, gần đây số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trên 100.000 mỗi ngày, khiến nhiều bệnh viện hết giường chăm sóc đặc biệt hoặc phải chăm sóc gấp đôi số lượng bệnh nhân có thể tiếp nhận. Số ca mắc mới tại những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine hàng đầu thế giới như Israel, Singapore cũng tăng trở lại. Tại Australia, quốc gia đã duy trì thành công mục tiêu “zero-COVID" trong một thời gian dài cũng sẽ chuyển trọng tâm từ số ca lây nhiễm mới sang các vấn đề về nhập viện, các ca bệnh nặng.
Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy thừa nhận COVID-19 sẽ khó có thể biến mất hoàn toàn, nên điều quan trọng bây giờ là phải làm rõ rằng chống dịch thành công không phải là không ghi nhận ca bệnh nào mà là ghi nhận rất ít người nhập viện và rất ít người tử vong.
Nhiều nước đang dần chuyển hướng chiến lược phòng chống COVID-19 với mục tiêu là làm sao để sống chung một cách an toàn với dịch bệnh và giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do phải áp dụng các biện pháp phong tỏa liên tục, kéo dài. Để chuyển đổi chiến lược chống dịch, các nước đều nỗ lực đạt mục tiêu nâng mức độ bao phủ tiêm chủng đến mức được tin là an toàn (80% - 85% dân số) để mở cửa trở lại, đồng thời không loại trừ khả năng sẽ có những lúc vẫn phải phong tỏa, giãn cách để kiềm chế dịch bệnh bùng phát. Mới đây, Chính phủ Australia đã thay đổi trong cách tiếp cận chương trình tiêm chủng, theo đó hướng tới miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng cho bộ phận dân số trẻ để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin, bên cạnh việc bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Các chuyên gia khẳng định để có thể sống chung với dịch bệnh, các nước cũng cần tập trung bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, kiểm soát các ổ dịch lớn, đẩy nhanh tiêm chủng, duy trì hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, phúc lợi xã hội cho người dân.
Theo giới chuyên gia, tình hình hiện tại ở Israel có thể cung cấp những dấu hiệu tích cực về một tương lai sống chung an toàn với COVID-19. Các trường học mở cửa trở lại, các hoạt động thương mại, kinh doanh, giải trí được khôi phục, đời sống người dân dần xoay chuyển theo hướng bình thường mới. Mở cửa kinh tế, nhưng số ca bệnh nặng ở Israel vẫn dưới ngưỡng 1.100 ca/ngày từng được ghi nhận vào thời kỳ đỉnh dịch hồi đầu năm nay. Trong làn sóng lây nhiễm mới nhất, số ca tử vong cũng ở mức thấp, dao động từ 20-30 ca/ngày, chưa bằng một nửa so với hồi tháng 1. Điều này được cho là nhờ tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao. Tỷ lệ ca bệnh nặng ở người chưa tiêm vắc xin là 300/100.000 dân nhưng ở người tiêm đủ liều, tỷ lệ này giảm mạnh xuống là 19/100.000 dân (với người trên 60 tuổi). Những gì đang diễn ra ở Israel càng củng cố vững chắc quan điểm lựa chọn phù hợp là sống chung an toàn với COVID-19.
THANH HƯƠNG