Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 9/7, thế giới đã ghi nhận 186.303.312 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi số ca tử vong đã lên tới 4.023.670 ca. Hơn 170 triệu người đã phục hồi và hơn 11,8 triệu ca đang phải điều trị.
Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo. |
Châu Á hiện có nhiều ca nhiễm nhất, hơn 57 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với hơn 48,6 ca. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ ba với hơn 40,8 triệu ca và Nam Mỹ đã ghi nhận hơn 33 triệu ca nhiễm. Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 34,6 triệu ca nhiễm, tiếp theo là Ấn Độ với hơn 30,7 triệu ca và Brazil với hơn 18,9 triệu ca. Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, khu vực châu Âu ghi nhận 1.110.412 ca (đứng đầu thế giới), tiếp đến là Nam Mỹ với hơn 1 triệu ca, Bắc Mỹ là hơn 922.000 ca và châu Á hiện là hơn 811.000 ca.
Tại châu Á, Israel lại có ca tử vong sau nửa tháng yên ắng. Thông báo từ các bệnh viện Israel ngày 8/7 cho biết tại quốc gia này đã có 2 bệnh nhân tử vong trong ngày do COVID-19, sau hơn 2 tuần số ca tử vong không tăng thêm.
Bệnh nhân này chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 và không có bệnh nền nào ngoài chứng huyết áp cao. Ca thứ hai 86 tuổi, qua đời tại bệnh viện Rambam ở TP.Haifa thuộc miền Bắc Israel, mặc dù đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Israel đang đứng trước nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới sau khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng số ca mắc mới tại nước này. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng cao đã giúp số ca tử vong hoặc bị biến chứng nghiêm trọng tăng rất chậm. Hiện chỉ còn 46 ca đang trong tình trạng nguy kịch.
Cùng ngày, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 đối với thủ đô Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide giải thích rằng đây là giải pháp tối ưu để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và đảm bảo một kỳ Olympic diễn ra an toàn và thành công. Thủ tướng Suga bày tỏ tin tưởng rằng quyết định này sẽ mang lại cảm giác yên tâm cho người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất để kiềm chế dịch lây lan trong thời gian diễn ra Thế vận hội là hạn chế tối đa dòng người di chuyển, nhất là tại Tokyo và ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 từ bên ngoài.
Hàn Quốc cũng ghi nhận ngày thứ hai có ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ ngày 20/1, với 1.316 ca, trong đó có 1.236 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 164.028 ca. Đây cũng là lần đầu tiên nước này chứng kiến 3 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới cao hơn 1.200 ca/ngày. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh cơ quan y tế Hàn Quốc quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại khu vực Seoul, nơi bùng phát ổ dịch mới, nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ tư.
Trung Quốc đại lục sáng 9/7 thông báo cũng ghi nhận thêm 23 ca nhiễm mới, tăng so với con số 17 ca trước đó một ngày, và không có ca tử vong mới.
Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (hơn 2,4 triệu ca), tiếp đến là Philippines với hơn 1,4 triệu ca. Malaysia đứng thứ ba với hơn 808.000 ca.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gắn cảnh báo giám sát biến thể AT.1 của virus SARS-CoV-2, được phát hiện ở Nga hồi tháng 1. Biến thể này đã được xác định “cảnh báo cần theo dõi thêm” vào ngày 9/6. Điều này có nghĩa là biến thể này có những thay đổi di truyền được nghi ngờ là ảnh hưởng đến đặc tính của virus với một số dấu hiệu cho thấy đột biến có thể gây ra rủi ro trong tương lai.
Danh sách 12 biến thể ở mức độ cảnh báo sẽ được đánh giá lại nếu xuất hiện bằng chứng cho thấy những thay đổi của chúng ảnh hưởng đến mức độ lây lan dễ dàng, mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc hiệu quả của liệu pháp điều trị và vắc xin phòng COVID-19.
BÍCH LIÊN