Tờ Straits Times đưa tin, gia đình bà Noriah Bakar (36 tuổi) chủ yếu sinh hoạt trong nhà từ tháng 4 năm nay nhưng vẫn bị mắc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Bà chia sẻ: “Chúng tôi bất ngờ đến nỗi chết lặng bởi từ giữa tháng 4 đến giờ, chồng tôi chỉ ra ngoài 1 lần để lấy giấy tờ công việc và tôi chỉ ra ngoài 2 lần từ cách đây gần 3 tuần để đi tiêm vaccine và mua bánh mì”. Cô cho biết gia đình mình chủ yếu đặt mua thực phẩm qua dịch vụ trực tuyến, mặc dù rất tốn kém, nên không hiểu được đã bị lây nhiễm từ lúc nào.
Malaysia đang chật vật kiểm soát làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở quốc gia này. Ngày 14/7, Malaysia ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục là 11.680 người, nâng tổng số bệnh nhân lên 867.567. Một ngày trước, quốc gia Đông Nam Á này có 11.079 ca và là lần đầu tiên số ca mắc hàng ngày vượt quá mốc 5 con số.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah hôm 13/4 cảnh báo rằng số ca mắc mới ở nước này có thể tiếp tục tăng lên trong hai tuần tới do sự xuất hiện của biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, biến thể Delta dễ lây lan hơn 55% so với biến thể Alpha xuất hiện đầu tiên ở Anh. Trong khi đó, bản thân Alpha đã có khả năng lây lan nhanh hơn 50% so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Vũ Hán.
Các chuyên gia y khoa lưu ý rằng nhờ dễ dàng lây lan trong không khí, Delta có tỷ lệ lây nhiễm là từ 5 – 8, trong khi chủng virus gốc ở Vũ Hán có tỷ lệ lây nhiễm là 2,2 – 3. Điều này có nghĩa là nếu 100 người nhiễm Delta, họ có lây virus cho 800 người khác trong khoảng thời gian rất ngắn.
Cho đến nay, Malaysia ghi nhận 273 ca mắc các biến thể đáng ngại, trong đó có 67 ca mắc biến thể Delta.
HOÀNG TRANG