Mối lo của nhóm người dễ tổn thương khi Anh "sống chung" với COVID-19

Thứ Năm, 15/07/2021, 20:50 [GMT+7]
In bài này
.

Các tổ chức từ thiện cảnh báo kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế phòng dịch COVID-19 bắt đầu từ ngày 19/7 đang gây ra mối lo lớn cho nhóm người có nguy cơ tại Anh.

Bảng đề nghị người dân giữ khoảng cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại London, Anh, ngày 12/7/2021.
Bảng đề nghị người dân giữ khoảng cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại London, Anh, ngày 12/7/2021.

Theo trang The Guardian (Anh), hôm 11/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tất cả biện pháp hạn chế COVID-19 mang tính pháp lý sẽ hoàn hoàn được dỡ bỏ vào ngày 19/7, theo đó người dân có thể tự quyết định việc duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang dù ở trên tàu điện ngầm, trong quán rượu hay các câu lạc bộ đêm có đầy người chưa tiêm chủng. Điều này có nghĩa là mọi người sẽ phải tự cảnh giác và bảo vệ mình khi tiếp xúc gần những người mắc bệnh.

Hướng dẫn mới của Chính phủ Anh cũng khuyến cáo nhóm người có nguy cơ cao cần cẩn trọng, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch để bảo vệ mình, như gặp gỡ bạn bè và người thân ở ngoài trời nếu có thể, đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

Theo ước tính khoảng 3,8 triệu người dễ bị tổn thương có thể sẽ bị tác động khi chính phủ thay đổi chính sách phòng dịch theo hướng thúc đẩy “trách nhiệm cá nhân” như vậy, khi tỉ lệ nhiễm virus đang gia tăng ở Anh. Nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm người có bệnh lý nền và người cao tuổi, đã được ưu tiên tiêm chủng tại Anh. Nước này hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho gần 1 nửa dân số, nhưng các trường hợp mắc COVID-19 lại một lần nữa tăng lên do biến thể Delta có khả năng lây lan cao và việc dỡ bỏ một số hạn chế.

Các nhà khoa học cho biết chắc chắn vaccine sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn ở một số người có bệnh lý nền có hệ miễn dịch yếu. Do vậy, nhóm người này đang lo lắng cho số phận của họ khi Anh thực hiện kế hoạch “thả cửa” COVID-19.

Sống chung với COVID-19 và đạt mức miễn dịch cộng đồng sớm còn hơn muộn là cách tiếp cận mà Anh từng xem xét ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu tấn công quốc gia này vào tháng 3 năm ngoái, trước khi vaccine được phát triển thành công. Song dù là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng tốt nhất thế giới, Anh vẫn còn nhiều người chưa có miễn dịch cộng đồng do chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc có miễn dịch tự nhiên. Đây là một lỗ hổng lớn khiến COVID-19 có thể bùng phát, đặc biệt là đối với một biến chủng dễ lây nhiễm và được đánh giá nguy hiểm như Delta.

Giới khoa học Anh nói họ chưa thực sự chắc chắn về những gì có thể xảy ra, bởi không biết công chúng sẽ hành xử thế nào sau “ngày tự do” 19/7. Ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo chính phủ không thể biết liệu làn sóng gia tăng này sẽ diễn ra từ từ hay đột ngột.

Hành vi của công chúng sẽ là “biến số” lớn nhất. Matt Keeling, Giáo sư về dân số và dịch bệnh tại Đại học Warwick, tự hỏi từ ngày 19/7 liệu mọi người có “điên cuồng tiệc tùng” hay sẽ chọn từ từ nới lỏng biện pháp hạn chế, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc. “Công chúng sẽ là người quyết định liệu chúng tôi sẽ đối mặt với làn sóng mới theo đường thẳng đứng hay bằng phẳng”, ông nói.

HẢI VÂN

;
.