Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h30 ngày 4/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 184.358.118 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.989.558 ca tử vong. Hiện vẫn còn hơn 11,6 triệu bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, hơn 168,7 triệu người đã hồi phục và xuất viện.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Chuncheon (Hàn Quốc). |
Tính theo khu vực, châu Á đang là lục địa dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19, với 56.378.491 ca mắc và 800.478 ca tử vong. Đứng thứ hai là châu Âu với 48.226.049 ca mắc và 1.106.330 ca tử vong. Đứng thứ ba thế giới là Bắc Mỹ với 40.714.979 ca mắc và 920.598 ca tử vong. Nam Mỹ đứng thứ tư với 33.274.949 ca mắc và 1.015.467 ca tử vong.
Nga là nước có số ca mắc mới theo ngày cao nhất khu vực châu Âu. Nga đã công bố có thêm 25.142 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu tháng Một trong bối cảnh nước này chứng kiến số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng. Cùng với đó, số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở mức rất cao, 663 người trong 24 giờ. Tuần qua, Nga đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp, đặc biệt riêng ngày 3/7 có 697 ca tử vong. Theo số liệu chính thức, cho đến nay đã có 137.925 người tử vong trong số 5,6 triệu người mắc COVID-19 ở Nga.
Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội khi cho phép mở cửa trở lại sân vận động và khu liên hợp thể thao không có khán giả từ ngày 5/7. Cơ quan Quản lý Thảm họa Delhi (DDMA) cho biết đây tiếp tục là bước nới lỏng tiếp theo, phù hợp với thực tế trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Delhi xuống dưới mức 100 ca/ngày và số ca tử vong chỉ còn dưới 10 ca/ngày.
Theo số liệu thống kê ngày 4/7, Ấn Độ ghi nhận thêm 43.071 ca mắc và 955 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong số các ca mắc mới, có 12.456 ca được ghi nhận ở bang Kerala. Trong khi đó, số ca dương tính hiện nay ở Ấn Độ đã giảm xuống còn 485.000 ca. Giới chức địa phương cho biết sau khi tiêm hơn 1,6 triệu liều vắc xin trong ngày 3/7, thủ đô New Delhi chỉ còn số vắc xin dự trữ đủ dùng cho 2 ngày.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới theo ngày cao so với nhiều nước trong khối. Quốc gia vạn đảo đã ghi nhận thêm 27.233 ca mắc mới và 555 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 2.284.084 và 60.582 ca.
Nhằm giảm tốc độ lây lan trong nước, Bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia thông báo từ ngày 6/7 tới, tất cả các công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này sẽ phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin đầy đủ ngừa COVID-19. Các nhân viên ngoại giao và quan chức nước ngoài sẽ được miễn trình giấy chứng nhận tiêm vắc xin trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức, phù hợp với thông lệ quan hệ ngoại giao được các nước khác áp dụng.
Trong khi đó, công dân Indonesia sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính nếu không có giấy chứng nhận tiêm chủng. Sau khi được cách ly và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, họ sẽ ngay lập tức được tiêm phòng.
Lào vừa tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa đến hết ngày 19/7 nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng đang có nhiều diễn biến phức tạp và biến chủng Delta nguy hiểm đã xuất hiện tại Lào. Đây là lần thứ 5 Lào gia hạn lệnh phong tỏa kể từ ngày 22/4 đến nay.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày ở Hàn Quốc tiếp tục ở mức trên 700 ca, khiến nhà chức trách phải tăng cường cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch, nhất là ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 4/7 cho biết đã phát hiện thêm 743 ca mắc mới, trong đó có 662 ca lây nhiễm trong cộng đồng (có giảm một chút so với 2 ngày trước đó, ngày 2 và 3/7 là 826 và 794 ca), đưa tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 160.085 ca.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới đang trong “giai đoạn vô cùng nguy hiểm” của đại dịch, do sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia. Nhấn mạnh việc theo dõi các đột biến mới của virus và tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội.
WHO cho biết hiện đã có 3 tỷ liều vaccine được phân phối trên thế giới, song chưa đầy 2% trong số này được đưa tới các nước nghèo. Mặc dù các nước G7 cam kết viện trợ 1 tỷ liều vắc xin ngừa COVID-19, WHO ước tính thế giới vẫn cần tới 11 tỷ liều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
PHƯƠNG HOA