Kỳ 2: Về nhà
Ngày thứ 40, các thủy thủ trên xà lan T-36 nhìn thấy một tàu buôn đi cách họ khoảng 3 hải lý nhưng mọi cố gắng ra hiệu cầu cứu của họ đều vô ích vì lúc này chẳng còn vật gì có thể đốt được. Trong 3 ngày tiếp theo, lại có 2 tàu đi qua nhưng cũng như con tàu đầu tiên, chẳng ai chú ý đến chiếc sà lan bé tí giữa đại dương bao la.
2 trong số 4 người lính Liên Xô kể về chuyến trôi dạt với một sĩ quan Mỹ trên tàu Kearsarge. |
1. Đến lúc này, cả 4 người đều kiệt sức vì đói. Trung sĩ Ziganshin kể: “Đã hơn nửa tháng, tôi không còn viết nổi nhật ký hải trình. Nó cũng là thứ duy nhất không bị đem ra đốt”. Theo trung sĩ Ziganshin, cả 4 người đều giao ước với nhau rằng nếu ai còn sống sau cùng thì trước khi chết, sẽ viết vào nhật ký hải trình để đồng đội cùng gia đình họ biết vì sao họ chết.
Ba giờ chiều ngày 7/3/1960, tức 49 ngày kể từ khi sà lan T-36 trôi dạt, cả 4 thành viên nằm bẹp trong buồng lái vì quá đói thì bỗng nghe có tiếng động cơ nổ rất lớn trên không trung. Trung sĩ Ziganshin nhớ lại: “Tôi cố gắng bò đến cửa sổ, thò đầu ra ngoài thì thấy một chiếc trực thăng. Nó bay rất thấp nhưng ngược sáng nên tôi chẳng biết nó thuộc quốc gia nào. Tôi đưa tay lên miệng, ra dấu rằng chúng tôi cần thức ăn và nước uống. Lúc nó quay lại, tôi mới biết nó là máy bay Mỹ bởi lá cờ sơn ở đuôi”.
Khoảng 20 phút, một chiếc xuống hơi cập sát bên hông sà lan rồi 6 lính Hải quân Mỹ bước lên. Trong số này có người nói được tiếng Nga nên khi nghe trung sĩ Ziganshin kể lại cuộc hành trình, họ gọi về tàu mẹ - là tàu sân bay Kearsarge để báo cáo. Tiếp theo, họ đề nghị cả 4 thủy thủ theo họ lên tàu Kearsarge để được chăm sóc sức khỏe nhưng trung sĩ Ziganshin từ chối. Ông kể: “Tôi sợ việc lên tàu Mỹ sẽ bị xem là hành vi phản bội quê hương. Tôi chỉ đề nghị họ cho chúng tôi thức ăn, nước uống, nhiên liệu và hải đồ để chúng tôi có thể tự quay về. Cũng đến lúc ấy, tôi mới biết sà lan T-36 đã trôi dạt hơn 2.000km tính từ đảo Iturup, và nó đang ở gần đảo Wake trên Thái Bình Dương”.
Một lần nữa, tàu sân bay Kearsarge lại cử một nhóm thợ máy lên sà lan T-36. Mất hơn 1 tiếng xem xét, thợ máy Mỹ kết luận sà lan T-36 không còn có thể vận hành được vì 2 động cơ đã hỏng hoàn toàn trong lúc phụ tùng thay thế của Mỹ lại không tương thích. Hơn nữa, do bị bão quăng quật nên thân sà lan cũng hư hại nhiều chỗ. Trung sĩ Ziganshin nói: “Họ cho chúng tôi biết dù có cung cấp đủ nước ngọt, lương thực, hải đồ, la bàn cùng các thiết bị cứu sinh, chiếc T-36 cũng không thể trụ nổi nếu gặp phải một cơn bão nữa. Dẫu vậy, tôi vẫn từ chối lời mời lên tàu họ”.
Khi thấy không thể thuyết phục được 4 thủy thủ Liên Xô, chiếc Kearsarge tiếp tục hành trình. Lúc này, nỗi lo sợ vì sẽ chết trên biển lại ập đến nên cuối cùng, cả trung sĩ Ziganshin, Anatoly Kryuchkovsky, Fiipp Poplavski và Ivan Fedotov quyết định lên tàu Kearsarge. Trung sĩ Ziganshin kể: “Tôi bị dằn vặt bởi suy nghĩ là thời điểm ấy, đang xảy ra cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Chúng tôi không được ai giúp đỡ ngoại trừ những người có khả năng trở thành kẻ thù. Vì thế chúng tôi giao ước với nhau rằng chúng tôi phải sống nhưng việc lên tàu Mỹ không có nghĩa là đầu hàng”.
2. Ngay sau khi 4 thủy thủ Liên Xô lên tàu Kearsarge, lính Mỹ lập tức đánh chìm chiếc T-36. Theo giải thích của họ, sà lan đã hư hỏng nặng và việc đánh chìm hoàn toàn không phải gây tổn hại cho phía Liên Xô, mà là không để nó biến thành mối đe dọa về an toàn hàng hải cho các tàu khác. Các sĩ quan trên tàu Kearsarge rất ngạc nhiên khi thấy 4 người Liên Xô rất tự chủ. Mặc dù rất đói nhưng họ không hề vồ vập khi bữa ăn được dọn ra. Họ ăn rất ít dù mỗi người sụt mất từ 33 đến 40kg.
Một tuần sau, tàu sân bay Kearsarge đưa 4 thủy thủ đến San Francisco, bang California, Mỹ. Họ được phát cho những bộ quần áo dân sự rồi tiếp theo là một cuộc họp báo cùng những buổi phỏng vấn. Trước sau, trung sĩ Ziganshin và 3 thủy thủ đều khẳng định mình là công dân Liên Xô, bị bão nên trôi dạt. Trong một bữa tiệc chào mừng vì họ còn sống sau 49 ngày lênh đênh trên biển với những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, thị trưởng San Francisco đã trao cho họ một chiếc chìa khóa, là biểu tượng của thành phố. Trung sĩ Ziganshin kể: “Một quan chức của Hải quân Mỹ đến gặp tôi, nói rằng chúng tôi hoàn toàn có thể được cấp quy chế tỵ nạn chính trị để ở lại nước Mỹ nếu chúng tôi yêu cầu. Đáp lời, tôi nói chúng tôi không phải là kẻ phản bội tổ quốc. Chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ trong hoàn cảnh bất khả kháng nên đề nghị của chúng tôi là nhanh chóng được trở về Liên Xô”.
Ngày 12/3, 4 thủy thủ được đưa đến thành phố New York. Tại đó, Đại sứ quán Liên Xô sắp xếp cho họ chỗ ăn nghỉ, kiểm tra sức khỏe và cho họ xem bức điện đặc biệt của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev. Bức điện có đoạn: "Tôi chúc mừng các đồng chí thân yêu sức khỏe dồi dào và sớm trở về quê hương”.
Ngày 15/3, nghĩa là đúng 60 ngày kể từ khi chiếc T-36 gặp bão và bắt đầu trôi dạt, 4 thủy thủ lên tàu Queen Mary trong bộ quân phục Hồng quân Liên Xô để đi châu Âu rồi từ đó, họ trở về Moscow. Tại đây, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev và Bộ trưởng Quốc phòng Rodion Malinovsky đích thân ra đón họ. Cả 4 người đều được trao tặng Huân chương Sao Đỏ và được xuất ngũ vì thời gian nghĩa vụ của họ trong quân đội cũng đã hết.
Năm 1964, Philip Poplavsky, Anatoly Kryuchkovsky và Askhat Ziganshin tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân Leningrad còn Ivan Fedotov trở về quê, làm thuyền trưởng tàu sông. Tất cả đều có một cuộc sống êm đềm nhưng dưới mắt nhân dân Liên Xô, họ mãi mãi là những người lính dũng cảm.
VŨ CAO
(Theo History - USSR Self-propelled barge T-36)