.

WTO vẫn chưa đồng thuận về miễn trừ bản quyền vắc xin

Cập nhật: 15:17, 28/07/2021 (GMT+7)

Trong cuộc họp ngày 28/7, các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vẫn chưa đạt được đồng thuận về đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với bản quyền vắc xin phòng COVID-19.

Vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech.
Vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech.

Trong ngày thảo luận đầu tiên trong khuôn khổ cuộc họp kéo dài 2 ngày của Đại hội đồng WTO tại trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), đại diện các nước đã tập trung thảo luận Thỏa thuận của WTO về Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và các điều khoản liên quan đến các công cụ phòng ngừa, ngăn chặn và biện pháp điều trị để chống lại COVID-19.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, người phát ngôn WTO Keith Rockwell cho biết, tất cả 164 quốc gia thành viên đều khẳng định việc tăng sản lượng vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết, song lại bất đồng về cách thức tốt nhất để đạt được mục tiêu này.

Cuộc thảo luận đã đề cập đến một số nội dung mấu chốt, đáng chú ý là thời hạn miễn trừ áp dụng bản quyền, phạm vi dược phẩm được áp dụng và vận dụng các điều khoản trong TRIPS, trong khi vẫn còn một số bất đồng về cách thực hiện miễn trừ và việc bảo vệ các thông tin mật.

Tuy nhiên, ông Rockwell cho biết các bên đều tập trung nỗ lực vào việc "đưa ra một kết quả thực tế, cho dù kết quả đó là gì".

Theo ông Rockwell, hiện các nước như ‌Senegal,‌ ‌Bangladesh,‌ Ấn Độ, Nam Phi, Thái Lan, Maroc và Ai Cập đang dư thừa năng lực sản xuất, nhưng lại chưa được tiếp cận đầy đủ với công nghệ và bí quyết sản xuất vắc xin phòng COVID-19. Ông nhấn mạnh vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao khai thác nguồn lực chưa được sử dụng đó.

Ý tưởng về tạm thời miễn trừ bản quyền vắc xin phòng COVID-19 được Nam Phi và Ấn Độ đưa ra từ tháng 10/2020 nhằm tăng sản lượng vắc xin, giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin bằng cách cho phép các nước có nhu cầu và năng lực, đặc biệt là các nước đang phát triển, có thể tự sản xuất vắc xin.

Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, và nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm và những nước chủ nhà của các nhà máy sản xuất vắc xin hiện nay phản đối vì cho rằng bản quyền vắc xin không phải rào cản lớn nhất trong việc tăng sản lượng, trong khi việc miễn trừ sẽ triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo.

Theo quy định của WTO, bất kỳ đề xuất nào muốn được thông qua cũng phải nhận được tất cả 164 nước thành viên chấp thuận. Theo ông Rockwell, các cuộc thảo luận về miễn trừ bản quyền vắc xin phải được tiếp tục bởi đây là vấn đề quá quan trọng lúc này.

Dự kiến, WTO sẽ có một cuộc họp không chính thức vào đầu tháng 9 để thảo luận về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ vắc xin phòng COVID-19, tiếp đó là một cuộc họp chính thức trong 2 ngày 13-14/10.

Theo thống kê, gần 4 tỷ liều vắc xin phòng COVID-19 đã được phân bổ trên khắp thế giới, song chỉ 0,9% trong số này được tiêm cho người dân ở 29 quốc gia nghèo nhất, vốn chiếm 9% dân số thế giới.

THANH HƯƠNG

.
.
.