Ngày 8/6, 18 quốc gia đã được bầu làm thành viên của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) với nhiệm kỳ 3 năm.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 Volkan Bozkir đã công bố kết quả sau khi diễn ra cuộc bỏ phiếu kín. Theo đó, các quốc gia được bầu gồm Cote d'Ivoire, Eswatini, Mauritius, Tanzania, Tunisia thuộc châu Phi; Afghanistan, Ấn Độ, Kazakhstan, Oman thuộc châu Á-Thái Bình Dương; Croatia, Cộng hòa Séc thuộc Đông Âu; Belize, Chile, Peru thuộc Mỹ Latinh và vùng Caribe; Bỉ, Canada, Italy và Mỹ thuộc nhóm Tây Âu và các quốc gia khác.
Các quốc gia này sẽ phục vụ một nhiệm kỳ 3 năm trong ECOSOC, bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Ngoài ra, trong cuộc bỏ phiếu, Hy Lạp, New Zealand và Đan Mạch đã được bầu với nhiệm kỳ một năm thay thế Thụy Sĩ, Australia và Phần Lan, trong khi Israel được bầu với nhiệm kỳ 2 năm để thay thế Đức. Các quốc gia này sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 1/1/2022.
ECOSOC gồm 54 thành viên, được bầu với nhiệm kỳ 3 năm. Cứ mỗi năm, ECOSOC bầu lại 1/3 tổng số thành viên. Các thành viên của ECOSOC có thể được bầu lại sau khi hết nhiệm kỳ.
Các ghế trong ECOSOC được phân bổ trên cơ sở khu vực địa lý với 14 ghế dành cho các quốc gia châu Phi, 11 ghế cho các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, 6 ghế cho các quốc gia Đông Âu, 10 ghế cho các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe và 13 ghế cho Tây Âu và các quốc gia khác.
ECOSOC là 1 trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, có chức năng soạn thảo và điều phối các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân quyền của Liên hợp quốc.
Phần lớn các nghị quyết và quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc về kinh tế, xã hội, nhân quyền, nhân đạo đều bắt nguồn từ các khuyến nghị do ECOSOC trình lên.
MINH CHÂU