Kỳ 1: "Dĩa bay" có thật không?
Trong suốt mùa xuân năm 1968, quân đội Mỹ liên tục nhận được báo cáo về những vật thể bay không xác định (UFO), xuất hiện trên bầu trời vùng phi quân sự, vĩ tuyến 17, Việt Nam. Thoạt đầu, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) tin rằng đó là loại trực thăng MI-4 Hound do Liên Xô mới viện trợ cho Hà Nội.
Tuy nhiên, ngay sau nửa đêm ngày 15/6/1968, khi chiếc tàu tuần tra cao tốc PCF số hiệu 19 bị bắn chìm bởi 2 UFO rồi sau đó là tàu khu trục Hobard của Australia cũng bị bắn thì người Mỹ nghi ngờ rằng họ đang đối đầu với một thế lực ngoài vũ trụ…
Tranh vẽ mô tả lúc tàu PCF-12 nhìn thấy UFO trên sông Thạch Hãn. |
1. 0 giờ 9 phút ngày 15/6/1968, tàu cao tốc PCF-12 do trung úy Pete Snyder chỉ huy đang thực hiện chuyến tuần tra trên vùng biển Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thì nhận được cuộc gọi từ tàu PCF-19 do trung úy thuyền trưởng Davis cùng thủy thủ đoàn gồm Edward, Cruz, Bowman, Anthony, Chandler, Armstrong, Anderegg và Bùi Quang Thi, phiên dịch viên người Việt, lúc ấy đang ở cách chiếc PCF-12 khoảng 9 hải lý, yêu cầu được hỗ trợ khẩn cấp. Trong cuộc gọi, Davis nói rằng mình bị “enemy helicopters - trực thăng đối phương” ” bám sát. Và bởi vì thời điểm này, miền Bắc Việt Nam mới nhận được loại trực thăng vũ trang MI-4 Hound do Liên Xô viện trợ, chưa đưa vào tham chiến ở vùng phi quân sự nên cụm từ “enemy helicopters” được cả Không quân lẫn Hải quân Mỹ dùng để chỉ những vật thể bay không xác định (UFO).
Nghe xong cuộc gọi, trung úy Pete Snyder lập tức cho chiếc PCF-12 lao đến vị trí của chiếc PCF-19. Khoảng 10 phút sau, Pete Snyder nhận thêm 1 cuộc gọi từ Bộ chỉ huy Hải đoàn 12 ở Đà Nẵng, cho biết họ đã cử 2 máy bay phản lực cường kích Phantom F-4 lên hỗ trợ. Theo trung úy Pete Snyder, trên bầu trời lấp lánh ánh sao là 2 vật thể hình tròn gần như đứng yên tại chỗ. Phần đầu và phần dưới bụng cong như quả bóng bầu dục và một đường viền sáng rực chạy suốt chu vi của UFO. Khi chiếc PCF-12 chỉ còn cách PCF-19 khoảng 1 hải lý thì bất ngờ 1 tia chớp từ trên không lao xuống, trúng vào PCF-19 khiến nó nổ tung. Hậu quả là 5 người của PCF-19 chết, 2 rơi xuống biển nhưng còn sống. Riêng 2 UFO, không ai còn nhìn thấy nó nữa.
Sau khi vớt 2 người sống sót, trong đó trung úy Davis bị thương mù mắt rồi chuyển lên trực thăng đến tàu bệnh viện, PCF-12 được lệnh tiếp tục theo dõi và nếu bị tấn công thì được phép bắn trả. Lúc vào đến cửa sông Thạch Hãn, Pete Snyder cùng các thành viên thủy thủ đoàn lại thấy 2 UFO xuất hiện. Nghi ngờ đây là vũ khí mới của Liên Xô hoặc Trung Quốc viện trợ cho Hà Nội, Snyder ra lệnh cho khẩu đội đại liên 12,7mm đặt trước mũi tàu bắn vào 2 UFO nhưng bị nó bắn lại khiến thân tàu thủng lỗ chỗ. Vì vậy Pete Snyder cho tàu quay ngược ra biển để nếu tàu chìm thì việc cấp cứu cũng dễ dàng hơn. Điều trần trước Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV), Peter nói: “Nó có đường kính khoảng 20m. Ngoài cái viền sáng chạy vòng quanh thân thì tôi không thấy một thứ gì khác. Nó đứng yên tại chỗ trong không gian nhưng chẳng hề phát ra tiếng động, cứ y như một con diều khổng lồ. Chúng tôi đã thử liên lạc với nó bằng tất cả mọi tần số vô tuyến của tàu nhưng nó không đáp lại”. Khi được hỏi về tia chớp đã tiêu diệt chiếc PCF-19, Peter nói sự việc diễn ra quá nhanh nên ông không rõ nó xuất phát từ đâu. Ông nói: “Thường thì nếu khai hỏa một khẩu súng hay một quả tên lửa, ta sẽ thấy có ánh lửa phun ra từ đầu nòng súng hoặc đuôi tên lửa nhưng trong trường hợp này, tôi chẳng nhìn thấy gì”.
Về phía 2 chiếc Phantom F-4 từ sân bay Đà Nẵng ra yểm trợ thì lúc phát hiện 2 UFO, phi công trên 2 chiếc F-4 bắn tổng cộng 5 quả tên lửa không đối không vào nó nhưng khi tên lửa vừa phóng ra thì cả 2 UFO biến mất. Nó biến nhanh đến nỗi thiếu tá phi công Edwin mô tả: “Giống hệt lúc còn bé ta thổi bong bóng xà phòng. Chớp mắt một cái, nó như tan vào không khí”.
2. Đêm 17-6, hai ngày sau khi xảy ra vụ UFO bắn chìm tàu PCF-19 và bắn trả tàu PCF-12, một tàu khu trục của Australia là chiếc HMAS Hobart cùng các tàu sân bay Mỹ USS Boston, USS Edson và USS Theodore E. Chandler hoạt động ở ngoài khơi bờ biển miền Bắc Việt Nam, gần đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Bình để điều tra về vụ tấn công chiếc PCF-19 nhằm xác định đó có phải là trực thăng vũ trang của Hà Nội hay không. Đến 3 giớ 14 phút sáng, đột ngột 1 quả tên lửa lao thẳng vào tàu khu trục Hobart, giết chết 1 thủy thủ và làm bị thương 5 người đồng thời làm hư hỏng phòng điều khiển vũ khí, hệ thống radar thám không, khoang điều khiển tên lửa. Hai phút sau, lại có thêm 2 quả tên lửa nhắm vào chiếc Hobart. Và mặc dù 1 quả không nổ nhưng nó xuyên thủng tháp chỉ huy. Quả còn lại nổ tung ở ngay chinh nơi mà quả tên lửa đầu tiên lao vào, giết thêm 1 thủy thủ và làm bị thương 6 người khác. Chưa hết, tàu sân bay USS Boston chạy gần đó dính một mảnh tên lửa khiến hệ thống điều khiển tự động của khẩu súng phòng không 40mm bị hỏng hoàn toàn.
Ngay sau cuộc tấn công, Phó Đô đốc William F. Bringle, tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ lập tức ra lệnh tiến hành điều tra. Kết quả phân tích các mảnh tên lửa trên cả 2 tàu Hobart và USS Boston đều cho thấy nó chính là loại không đối không Sparrow, được trang bị cho máy bay Phantom F4. Điều này xem ra có liên quan đến việc 2 chiếc F-4 đã bắn 5 quả tên lửa vào 2 UFO. Tuy nhiên, điều khó hiểu là nó không phù hợp về mặt thời gian bởi lẽ 2 chiếc F-4 bắn 5 quả tên lửa vào lúc 0 giờ 36 phút ngày 15-6, trong khi tàu Hobart trúng tên lửa lúc 3 giờ 14 phút sáng 17/6.
VŨ CAO
(Theo History - UFO in Vietnam War)