LHQ dự báo viễn cảnh thế giới chật vật trong đói kém, hạn hán và dịch bệnh
Đói kém, hạn hán và dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người nữa trong vòng nhiều thập kỷ tới. Đây là nhận định được đưa ra trong dự thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc (LHQ), trong đó nêu bật những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe con người do hiện tượng ấm lên toàn cầu gây ra.
Trẻ em bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực tại khu vực ngoại ô Mogadishu (Somalia). |
Sau hơn 1 năm đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới, dự thảo báo cáo dài 4.000 trang của IPCC đã vẽ nên một viễn cảnh ảm đạm của thế giới trong những thập kỷ tới: suy dinh dưỡng, mất an ninh nguồn nước và dịch bệnh. Theo dự thảo, dù các lựa chọn chính sách như thúc đẩy việc tiêu thụ thực vật đang được triển khai, có thể phần nào hạn chế những hậu quả về mặt sức khỏe, song nhiều bệnh tật không thể tránh khỏi chỉ trong ngắn hạn.
Báo cáo cảnh báo những tác động nghiêm trọng mà các vụ mùa thất bát, sự sụt giảm giá trị dinh dưỡng các các loại thực phẩm cơ bản và lạm phát tăng cao có thể gây ra cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Tùy thuộc vào việc con người xử lý tốt lượng khí thải carbon và kìm hãm đà tăng của nhiệt độ Trái Đất, một đứa trẻ sinh ra ngày nay có thể phải đối mặt với nhiều mối đe dọa sức khỏe liên quan đến khí hậu trước khi bước sang tuổi 30.
Bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách Y tế công, các yếu tố quyết định môi trường và xã hội đối với sức khỏe thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: “Nền tảng cho sức khỏe của chúng ta được duy trì nhờ 3 trụ cột: thực phẩm, nguồn nước và nơi ở. Những trụ cột này hoàn toàn dễ bị tổn thương và bên bờ vực sụp đổ”.
Dự thảo báo cáo của IPCC đã đưa ra bản tóm tắt toàn diện nhất cho đến nay về tác động của biến đổi khí hậu đối với hành tinh và loài người. Báo cáo dự đoán rằng sẽ có thêm 80 triệu người có nguy cơ rơi vào tình cảnh đói kém vào năm 2050. Sự gián đoạn chu trình nước do biến đổi khí hậu gây ra sẽ khiến các loại cây trồng chủ yếu được tưới bằng nước mưa bị suy giảm trên toàn khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi. Có tới 40% các vùng sản xuất lúa gạo ở Ấn Độ có thể không còn thích hợp để canh tác ngũ cốc. Sản lượng ngô toàn cầu đã giảm 4% kể từ năm 1981 vì biến đổi khí hậu và nhiệt độ ấm lên do con người gây ra ở Tây Phi đã làm giảm sản lượng kê và cao lương lần lượt là 20% và 15%.
Theo dự thảo báo cáo, nhiệt độ tăng không những ảnh hưởng tới sự sẵn có của các loại cây trồng chủ chốt mà cũng làm giảm dần giá trị dinh dưỡng của chúng. Đơn cử như hàm lượng protein trong gạo, lúa mì, lúa mạch và khoai tây ước tính sẽ giảm từ 6% đến 14%, đẩy thêm gần 150 triệu người có nguy cơ thiếu protein. Các vi chất dinh dưỡng thiết yếu-vốn đã nghèo nàn trong chế độ ăn ở các quốc gia nghèo-cũng sẽ giảm khi nhiệt độ tăng. Báo cáo dự báo rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn do nhiệt độ tăng cao sẽ khiến sản lượng lương thực thường xuyên bị ảnh hưởng hơn bao giờ hết.
Khi biến đổi khí hậu làm giảm năng suất cây trồng trong khi nhu cầu về cây trồng cung cấp nhiên liệu sinh học và rừng hấp thụ CO2 tăng lên, giá lương thực dự kiến sẽ tăng tới hơn 30% vào năm 2050, đẩy thêm 183 triệu người trong các hộ gia đình thu nhập thấp đến bờ vực đói nghèo kinh niên. Trên toàn châu Á và châu Phi, sẽ có thêm 10 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và thấp còi vào giữa thế kỷ này, để lại gánh nặng cho cả một thế hệ với các vấn đề sức khỏe mãn tính bất chấp sự phát triển kinh tế xã hội. Mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe con người trên thế giới cũng không đồng đều, khi 80% dân số được dự báo có nguy cơ thiếu đói đều tập trung tại châu Phi và Đông Nam Á.
Chưa dừng lại ở đó, dự thảo báo cáo cũng dự báo hàng triệu người có nguy cơ không được tiếp cận với nguồn nước an toàn do biến đổi khí hậu. Nghiên cứu về nguồn cung cấp nước, nông nghiệp và mực nước biển dâng cho thấy khoảng 30 triệu đến 140 triệu người sẽ phải di tản ở châu Phi, Đông Nam Á và Mỹ Latinh vào năm 2050. Biến đổi khí hậu cũng đe dọa làm gián đoạn tới 75% nguồn nước ngầm, vốn là nguồn chính cung cấp nước uống cho 2,5 tỷ người vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, tốc độ băng tan nhanh cũng đã “ảnh hưởng mạnh mẽ đến chu trình nước”, một nguồn cung cấp nước thiết yếu đối với 2 tỷ người.
Khi hành tinh nóng lên tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi và các loài mang bệnh khác sinh sôi, dự thảo báo cáo của IPCC cảnh báo 50% dân số thế giới có thể tiếp xúc với các mầm bệnh gây sốt xuất huyết, sốt vàng da và virus Zika vào giữa thế kỷ này. Bất chấp sự phát triển kinh tế xã hội ở các nước có tỷ lệ mắc bệnh cao, các nguy cơ do bệnh sốt rét và bệnh Lyme gây ra sẽ gia tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ tử vong ở trẻ em do tiêu chảy cho đến ít nhất là giữa thế kỷ này. Báo cáo cũng cho thấy biến đổi khí hậu sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật không lây nhiễm, khi các căn bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí và phơi nhiễm ozone, như các bệnh về phổi và tim sẽ “gia tăng đáng kể”. Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và nguồn nước cũng tăng lên.
Cũng như hầu hết các tác động liên quan đến khí hậu khác, những căn bệnh này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày thực tế đó. Dự thảo báo cáo cho thấy đại dịch đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương của nhiều quốc gia trước các cú sốc trong tương lai, bao gồm cả những tác động không thể tránh được do biến đổi khí hậu gây ra.
Dự thảo báo cáo của IPCC dự kiến sẽ được công bố vào năm 2022.
PHƯƠNG OANH