Một bà cụ 90 tuổi sống trong một biệt thự trên đồi The Peak, Hong Kong vừa bị lừa mất 32 triệu USD. Bọn lừa đảo đã điện thoại cho bà, nói rằng tài khoản của bà trong ngân hàng có liên quan đến một tổ chức tội phạm ở Trung Quốc đại lục. Chúng yêu cầu bà phải chuyển tiền vào 3 tài khoản mà chúng nói là của cảnh sát để xác minh nguồn gốc. Đây là vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay xảy ra tại Hong Kong…
Cảnh sát Hong Kong đưa một nghi phạm (đội mũ trùm đầu) đến hiện trường, nơi đặt mạng máy tính để thực hiện lừa đảo qua điện thoại. |
1. Theo nạn nhân, hồi cuối tháng 7 năm ngoái có một thanh niên đến gặp bà, tự xưng là “sĩ quan đặc vụ thuộc cơ quan điều tra Trung Quốc”. Trong cuộc nói chuyện, “đặc vụ” này cho biết bà có liên quan đến một tổ chức tội phạm ở Trung Quốc đại lục và “cơ quan điều tra” đang củng cố chứng cứ để bắt giam bà. Mặc dù bà đã ra sức thanh minh rằng số tiền trong tài khoản ngân hàng của bà là kết quả của một đời dành dụm, và bà không hề liên quan đến bất cứ tổ chức tội phạm nào cũng như không hề vi phạm pháp luật nhưng trước sau “sĩ quan đặc vụ” vẫn khẳng định bằng cách nêu rõ họ tên, số thẻ an sinh xã hội, địa chỉ cư trú của bà để chứng minh rằng lý lịch nhân thân bà đang nằm trong “hồ sơ theo dõi của cơ quan điều tra”.
Sau đó, “sĩ quan đặc vụ” đưa cho bà một điện thoại di động, đề nghị bà trực tiếp liên lạc với “văn phòng cơ quan điều tra” để biết thêm chi tiết. Tường thuật với cảnh sát Hong Kong, bà nói: “Khi tôi gọi vào số máy mà người thanh niên ấy cho, tôi nghe thấy tiếng trò chuyện lao xao, tiếng còi hú của xe cảnh sát, tiếng một ai đó nói lớn “tiến hành bắt giam ngay đi” nên tôi tin rằng đó là trụ sở cảnh sát. Lúc nghe tôi trình bày về chuyện tôi không dính líu đến tội phạm, một người tự xưng là chỉ huy yêu cầu tôi phải chuyển tất cả số tiền của tôi có trong ngân hàng vào 3 tài khoản của “cơ quan điều tra” để xác minh rồi nếu tôi thật sự vô tội, tôi sẽ được nhận lại đầy đủ”.
Và thay vì báo cho người thân trong gia đình hoặc cảnh sát để họ có biện pháp xác minh, đối phó thì bà lại răm rắp làm theo chỉ dẫn của bọn lừa đảo. Bà kể: “Trước khi quyết định chuyển tiền, tôi đã tra cứu trong niên giám điện thoại và thấy rằng số điện thoại mà “sĩ quan đặc vụ” bảo tôi gọi chính là số máy của cơ quan điều tra Trung Quốc”. Vì thế, bà đã chuyển 254,9 triệu đô la Hồng Kông vào 3 tài khoản ngân hàng trong thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021. Trong các lần đến ngân hàng, bà đều được “sĩ quan đặc vụ” đi theo, hỗ trợ bà làm thủ tục. Tuy nhiên, sau 6 tháng, số tiền của bà vẫn bặt vô âm tín. Gọi vào máy của “cơ quan điều tra”, câu trả lời luôn là “số điện thoại này hiện thời không liên lạc được”.
Đầu tháng 3/2021, bà cụ làm đơn tố cáo với cảnh sát. Tiến hành điều tra, cuối tháng 3 cảnh sát bắt giữ một sinh viên đại học 19 tuổi vì có liên quan đến vụ lừa đảo đồng thời yêu cầu phong tỏa một tài khoản mà bọn tội phạm đã sử dụng để lừa. Trong tài khoản này còn 9 triệu đô la Hong Kong, còn 2 tài khoản kia đã bị rút sạch.
Theo cảnh sát Hong Kong, trong vụ lừa đảo này, bọn tội phạm đã sử dụng “kỹ thuật tương tự” nhằm đưa nạn nhân vào mê hồn trận. Bằng cách sử dụng số điện thoại thật của cơ quan điều tra nhưng mọi cuộc gọi đến, gọi đi đều thực hiện qua mạng Internet. Trước đó, chúng đã thu sẵn những âm thanh, tiếng động, giọng nói… làm nền, để người gọi tin rằng mình đang liên lạc với cơ quan điều tra.
2. Đây không phải là lần đầu tiên hình thức lừa đảo qua điện thoại xảy ra ở Hong Kong. Tháng 10 năm ngoái, một phụ nữ 65 tuổi sống ở Yuen Long cũng đã bị lừa 68,9 triệu đô la Hồng Kông khi một tên tội phạm điện thoại cho bà, cáo buộc bà có liên quan đến các hoạt động rửa tiền ở Trung Quốc đại lục. Theo lời khai của bà, ngày 20/10/2020 khi đang trên xe về nhà, bà nhận được cuộc điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là “cán bộ thực thi pháp luật” ở Trung Quốc đại lục. Người này nói bà bị “cáo buộc có liên quan đến các hoạt động rửa tiền”. Tiếp theo, bà được “cán bộ” hướng dẫn “mở một tài khoản mới rồi chuyển tất cả tiền tiết kiệm của mình vào, đồng thời cung cấp cho “cơ quan thực thi pháp luật” số tài khoản và mật khẩu để “theo dõi bọn rửa tiền khi chúng chuyển tiền bẩn vào tài khoản của bà nhằm hợp thức hóa”.
Do lo sợ, người phụ nữ này đã làm theo lời chúng nhưng chỉ sau 1 tuần, ngân hàng thông báo 68,9 triệu đô la Hồng Kong đã được chuyển thành công đến 4 tài khoản của một ngân hàng khác ở Hong Kong và 10 tài khoản ở một ngân hàng thuộc Trung Quốc đại lục. Đến lúc ấy, bà mới hiểu rằng mình đã bị lừa! Tiến hành điều tra, cảnh sát Hong Kong bắt giữ 3 người đàn ông. Một trong 3 người này là chủ của một công ty đổi tiền, đã rút 600 ngàn đô la Hong Kong từ tài khoản của người phụ nữ nói trên rồi chuyển sang một tài khoản khác ở Trung Quốc đại lục. Hai người còn lại có 2 tài khoản cũng được dùng để rút tiền từ tài khoản của người phụ nữ. Cả 3 nhân vật ấy nằm trong số 5 người đàn ông và 6 phụ nữ bị bắt vì liên quan đến 16 vụ lừa đảo qua điện thoại mà nạn nhân là 15 người Hong Kong và 1 người đại lục trong thời gian từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021 với tổng số tiền lên đến 130 triệu đô la Hong Kong. Hiện cảnh sát mới chỉ đóng băng được 12 triệu đô la. Số còn lại đã bị rút hết.
Theo cảnh sát Hong Kong, các vụ lừa đảo qua điện thoại đã tăng lên 200 vụ chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021 so với 169 vụ năm 2020. Tất cả những cuộc điện thoại đều được gọi bằng Internet từ bên ngoài lãnh thổ Hong Kong. Cảnh sát khuyến cáo: “Các cơ quan thực thi pháp luật cả ở Hong Kong lẫn đại lục đều không bao giờ làm việc bằng điện thoại về một vấn đề nào đó có liên quan đến luật pháp. Vì vậy, nếu có ai gọi đến cho bạn, nói là bạn đang bị nghi ngờ vì dính líu đến tội phạm rồi yêu cầu bạn phải chuyển tiền để xác minh thì chắc chắn đó là cú điện thoại lừa đảo…”.
VŨ CAO
(Theo Asia News)