Tái phong tỏa toàn diện sẽ khiến 1 triệu lao động Malaysia mất việc
Thay vì tái phong tỏa toàn diện như từng làm năm 2020, Malaysia quyết định thắt chặt các quy định phòng chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seri Kembangan, bang Selangor, Malaysia, ngày 21/5. |
Từ ngày 25/5-7/6 tới, 80% nhân viên công vụ Malaysia sẽ làm việc tại nhà còn tỷ lệ này ở khối tư nhân là 40%. Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Malaysia quy định này sẽ ảnh hưởng tới 750.000 nhân viên công vụ và 6,1 triệu lao động thuộc khối tư nhân.
Cùng với đó, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia còn quyết định cắt ngắn thời gian hoạt động của các lĩnh vực kinh tế, cơ bản hạn chế trong khoảng từ 8 giờ sáng tới 20 giờ, chỉ có nhà thuốc mới được phép đóng cửa muộn hơn (10 giờ tối). Ngoài ra, phương tiện giao thông công cộng chỉ được chở tối đa 50% số ghế.
Như vậy, khác với những đồn đoán về việc tái phong tỏa toàn diện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đang tăng mạnh, Malaysia đã chọn phương án thắt chặt Trình tự Vận hành tiêu chuẩn (SOP). Những biện pháp mới này sẽ bổ sung cho SOP ra đời cùng với Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) lần thứ 3, bắt đầu từ ngày 12/5 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Tài chính Malaysia Tengku Zafrul Abdul Aziz, sở dĩ chính phủ quyết định tiếp tục mở cửa các lĩnh vực kinh tế ngay cả trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày tăng mạnh là để ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Nếu tái phong tỏa toàn diện như MCO lần 1 (18/3-3/5/2020) có thể khiến 1 triệu người thất nghiệp và những người vốn đã thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong một cuộc họp báo tổ chức sau khi Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia công bố các biện pháp thắt chặt mới, ông Tengku Zafrul Abdul Aziz cho biết thêm, nếu 1 triệu người mất việc làm sẽ có thêm 3 triệu người khác bị ảnh hưởng bởi 1 hộ gia đình trung bình có 4 thành viên.
HÀ NGỌC