G7 đặt mục tiêu tham vọng về khí hậu
Ngày 22/5, Hội nghị bộ trưởng môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bế mạc với cam kết đẩy nhanh quá trình giảm lượng khí thải nhằm giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, so với mức 2 độ C đặt ra trước đây.
Tại hội nghị do Anh chủ trì diễn ra trong 2 ngày dưới hình thức trực tuyến, bộ trưởng môi trường các nước G7 đã nhất trí ngừng tài trợ trực tiếp cho các nhà máy nhiệt điện ở các quốc gia nghèo vào cuối năm 2021, động thái nhằm đẩy nhanh quá trình giảm lượng khí thải vào năm 2030, thay vì vào năm 2050.
Quyết định trên được cho là chịu ảnh hưởng từ báo cáo gần đây của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), theo đó, để đạt được mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, ngay bây giờ thế giới cần ngừng phát triển mới các dự án than, dầu mỏ và khí đốt. Hội nghị cũng nhất trí rằng thế giới cần hướng tới việc sử dụng các phương tiện không phát thải.
Tại hội nghị, các bộ trưởng G7 nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp nhằm giảm thiểu và thích ứng hơn nữa với biến đổi khí hậu, ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học và suy thoái môi trường, hướng tới sự bền vững toàn cầu.
Hội nghị khẳng định quyết tâm đặt vấn đề khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường vào trọng tâm của các chiến lược và dự án đầu tư phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, tạo việc làm “xanh”, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, chuyển đổi sang chuỗi cung ứng bền vững và đưa vấn đề khí hậu cũng như đa dạng sinh học vào quá trình ra quyết định kinh tế.
Tại hội nghị, các bộ trưởng tái khẳng định cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 nhằm tăng cường nguồn tài chính dành cho biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng đưa ra cam kết chấm dứt tình trạng mất rừng tự nhiên và khôi phục 350 triệu ha rừng vào năm 2030, đồng thời nỗ lực hướng tới việc chấm dứt tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp và cải thiện đa dạng sinh học biển ở các vùng biển quốc tế.
Những quyết định đã được đưa ra trong hội nghị là bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu (COP26) tại Glasgow, Anh vào tháng 11 tới.
MINH HỢP