.
NHIỄM COVID-19 KHI LEO NÚI EVEREST

Kỳ 1: Khi môn thể thao trở thành tai họa

Cập nhật: 21:46, 28/05/2021 (GMT+7)

Ngày 27/4/2021, 1 vận động viên Na Uy được báo cáo là người đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 khi tham gia chinh phục đỉnh núi cao nhất hành tinh. Từ đó đến nay, đã có hơn 100 người khác dương tính với virus trong bối cảnh Chính phủ Nepal vẫn chưa thừa nhận sự lây nhiễm này.

Bác sĩ ở Kathmandu lấy mẫu bệnh phẩm của người đầu tiên nhiễm COVID-19 trên núi Everest.
Bác sĩ ở Kathmandu lấy mẫu bệnh phẩm của người đầu tiên nhiễm COVID-19 trên núi Everest.

1. Hôm thứ Bảy, ngày 22/5, Lukas Furtenbach, công dân Áo, chuyên gia hướng dẫn leo núi Everest chính thức thông báo với đại diện WHO tại Nepal rằng đã có một đợt bùng phát virus Corona ở Everest và đã lây nhiễm cho ít nhất 100 VĐV cùng những người Sherpa bản xứ dẫn đường. Lukas cũng là người duy nhất quyết định hủy bỏ chuyến leo núi do ông tổ chức gồm 9 thành viên mà nguyên nhân là 1 người Sherpa dẫn đường đã có kết quả dương tính với virus.

Phát biểu tại thủ đô Kathmandu của Nepal, Lukas cho biết, những người bị nhiễm bao gồm phi công trực thăng cứu hộ, bác sĩ, điều dưỡng, thành viên trong các đoàn leo núi, bộ phận hậu cần, người Sherpa dẫn đường. Tại Trại Căn cứ (Everest Base Camp), tôi đếm được hơn 100 người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở nhưng con số có thể là 150 hoặc 200 nếu tất cả được xét nghiệm...

Năm ngoái, ngành du lịch Nepal đã phải hứng chịu một đòn nặng nề vì đại dịch COVID-19 khiến các tour leo núi Everest bị hủy bỏ, gây thiệt hại hàng triệu USD  doanh thu. Năm nay, trong nỗ lực kéo khách nước ngoài trở lại, Chính phủ Nepal đã nới lỏng các quy tắc kiểm dịch và đã cấp giấy phép chinh phục đỉnh Everest cho 408 người. Mỗi giấy phép này có giá 11.000 USD nhưng để đặt chân lên núi, những người leo núi phải trả tới 50.000 USD hoặc 60.000U SD cho những dịch vụ kèm theo.

Thông thường, mùa leo núi Everest bắt đầu vào tháng 5, khi thời tiết trở nên thuận lợi nhất nhưng ngay từ đầu tháng 4, các vận động viên từ nhiều nơi trên thế giới đã đến Nepal để chuẩn bị. Họ tập trung ở Trại Căn cứ, nơi có độ cao 5.364m so với mực nước biển nhằm giúp cơ thể quen dần với hiện tượng thiếu oxy và chứng say độ cao, cũng như nghe các hướng dẫn viên phổ biến những kinh nghiệm cần thiết trước khi lên đường đến thác băng Khumbu rồi tiếp theo là Trại II, sau đó là Trại III, Trại IV ở độ cao 7.920m. Từ đó lên đỉnh chỉ còn 1.000m nữa nhưng họ sẽ phải mất từ 10-12 tiếng đồng hồ. Sự giao tiếp giữa người này và người kia, nhóm này với nhóm khác ở Trại Căn cứ là điều khó tránh khỏi, nhất là với những người đã từng chinh phục đỉnh Everest nhiều lần thì họ trở thành thành nhân vật “hot”, thu hút những vận động viên mới đi lần đầu tụ tập để nghe họ kể về sự nguy hiểm của con đường dẫn lên “nóc nhà thế giới”.

2. Thế nhưng năm nay, mọi việc lại diễn tiến theo chiều hướng xấu. Hơn 30 nhà leo núi đã được sơ tán khỏi Trại Căn cứ vì 3 thành viên nhiễm Coronavirus. Franc Markit, 34 tuổi, đến từ Áo, người vẫn còn ở lại Trại Căn cứ cho biết phần lớn thời gian trong ngày, anh chỉ nằm trên giường mà đầu và nửa thân người được che kín bởi chiếc khung phủ nylon kín, gắn với một máy tạo oxy. “Lúc mới bắt đầu, tôi cảm thấy khó thở nhưng bây giờ tôi hoàn toàn ổn. Tôi vẫn có thể gọi điện thoại thường xuyên về nhà”, Markit cho biết.

Markit đã phải trả tổng cộng 85.000 USD cho chuyến đặt chân lên đỉnh Everest nhưng giờ đây, ước mơ ấy xem như đã chấm dứt. Hiện tại, anh đang đợi trực thăng đưa xuống thị trấn Lukia để làm xét nghiệm xem mình có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Negi (29 tuổi, người Mỹ) là tay leo núi dày dạn kinh nghiệm nói: “Trước ngày lên Trại Căn cứ, tôi cùng nhiều thành viên của các đội khác gặp nhau tại mấy quán trà ở thị trấn Lukia. Thật khó để nói rằng trong những người ấy, có những ai đã bị nhiễm và tôi có lây họ hay không mặc dù tôi đã tiêm ngừa đủ 2 liều”. Và cũng như Markit, Negi dành cả ngày trong một chiếc lều bằng nhựa kín mít, có gắn máy lọc oxy từ không khí. Brian Oestrike, giám đốc điều hành của nhà cung cấp lớn nhất thế giới về các “lều oxy” cho biết đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy những người leo núi sử dụng thiết bị này vì họ muốn giảm thiếu đến mức tối đa những trường hợp có thể vô tình tiếp xúc với virus.

Sau những tuyên bố của Lukas, chuyên gia hướng dẫn leo núi Everest, các quan chức Nepal vẫn chưa đưa ra bình luận gì trong bối cảnh quốc gia này đã ghi nhận 8.607 ca nhiễm mới và 177 ca tử vong vào thứ Sáu, 21/5/2021, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 497.000 trường hợp và 6.024 ca tử vong. Theo Lukas, phần lớn các đội leo núi đều không mang theo bộ kit xét nghiệm virus Corona. Họ chỉ biết họ bị nhiễm khi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở rồi được đưa từ Trại Căn cứ xuống mặt đất để kiểm tra, nhưng hơn 300 người vẫn đang ở lại với hy vọng thời tiết sẽ tốt lên vào tuần tới để họ có thể đặt chân lên đỉnh Everest trước khi mùa leo núi kết thúc vào cuối tháng này. Newin, một nhà leo núi người Pakistan nói: “Everest muôn đời vẫn đứng yên ở đó, không leo năm này thì leo năm khác nhưng nếu chẳng may nhiễm virus và nếu không qua khỏi thì chẳng bao giờ còn có dịp đặt chân lên “nóc nhà thế giới” nữa đâu…”.

VŨ CAO 

(Theo Traveller)

 
.
.
.