Cơ quan hỗ trợ chính sách thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa công bố Báo cáo phân tích xu hướng ở APEC (ARTA) tháng 5/2021, với nhận định mức tăng trưởng chung của các nền kinh tế thành viên APEC sẽ đạt 6,3% vào năm 2021, khi “nhu cầu bị dồn nén” được giải phóng.
Dây chuyền sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. |
Việc phát triển và sản xuất nhiều loại vắc xin cũng làm gia tăng sự lạc quan đối với sự phục hồi kinh tế lâu dài hơn. Báo cáo ARTA cũng dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ ở mức 4,4% trong năm 2022 và 3,4% vào năm 2023.
Theo các số liệu mới, tính chung, các nền kinh tế thành viên APEC sụt giảm 1,9% trong năm 2020, nhẹ hơn so với dự báo giảm 2,7% trong báo cáo ARTA vào tháng 5/2020, khi các biện pháp tài khóa tiếp tục được thực hiện đã thúc đẩy chi tiêu công và cải thiện đầu tư cũng như tiêu dùng hộ gia đình.
Tiêu dùng hộ gia đình, động lực tăng trưởng chính của APEC, đã được cải thiện và trong nửa cuối năm 2020 chỉ giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2019, sau khi giảm 7% trong nửa đầu năm. Xu hướng đầu tư cũng khả quan hơn, với mức giảm 6,1% trong nửa cuối năm 2020, sau khi giảm 10,5% trong nửa đầu năm.
Theo báo cáo ARTA, các chính phủ thành viên APEC đã rút ra những bài học để kiểm soát đại dịch COVID-19 hiệu quả hơn, đồng thời người dân cũng đã thích nghi với những phương thức làm việc mới. Điều này đã dẫn đến việc từng bước nối lại các hoạt động kinh tế, giúp thúc đẩy tiêu dùng.
Theo Tiến sĩ Denis Hew, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC, đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2020 có thể sẽ tiếp tục trong suốt năm 2021. Dù vậy, APEC vẫn tiếp tục phải đối mặt với những bất ổn đáng kể, phần lớn liên quan đến diễn biến của dịch, vấn đề mất việc làm do đại dịch và khả năng lạm phát cao hơn trong năm 2021 sẽ kìm hãm sức chi tiêu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, ông Hew cũng cho rằng, kịch bản tái mở cửa nền kinh tế theo kiểu “bắt đầu - dừng lại” do các đợt bùng phát mới có thể kìm hãm hoạt động đầu tư.
Báo cáo ARTA cảnh báo rằng, sự phục hồi không đồng đều trong khu vực chủ yếu liên quan đến sự khác biệt về khả năng tiếp cận và sẵn có vắc xin ngừa COVID-19. Đa số các nền kinh tế thành viên APEC có thể triển khai tiêm chủng rộng rãi từ giữa năm 2022 trở đi, với một số nền kinh tế dự kiến sẽ thực hiện điều này sớm hơn vào cuối năm 2021.
Các hợp đồng mua vắc xin được xác nhận cho đến nay có sự khác biệt giữa các nước thành viên APEC, dẫn đến sự khác biệt rất lớn về tỷ lệ tiêm chủng, với một số nước chỉ có thể đảm bảo được 40% dân số được tiêm, trong khi con số này ở một số nước khác lại có thể đạt tới 80%.
Báo cáo ARTA cũng chỉ ra rằng, sự tiếp cận thiếu bình đẳng đối với các loại vắc xin ngừa COVID-19 cũng làm trầm trọng thêm sự phân hóa về tốc độ và mức độ phục hồi kinh tế trong khu vực.
Các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn phụ thuộc phần lớn vào cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19” sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến dài hơn, khiến nỗ lực phục hồi kinh tế rất mong manh trong bối cảnh nguy cơ tái bùng phát dịch cao hơn.
THẾ VŨ