VỤ MẤT TÍCH BÍ ẨN CỦA CHUYẾN BAY 2501

Kỳ 2: Những cuộc tìm kiếm vô vọng

Thứ Sáu, 16/04/2021, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

Từ trước đến nay, trong các tai nạn hàng không, kể cả khi máy bay bị bắn nổ tung trên bầu trời thì vẫn dễ dàng tìm thấy những mảnh vỡ. Thế nhưng, chiếc 2501 đã không để lại bất cứ dấu vết nào.

Hằng năm, cứ đến ngày 23/6, thân nhân của những người xấu số lại tụ tập bên bờ hồ Michigan để tưởng nhớ thảm họa 2501.
Hằng năm, cứ đến ngày 23/6, thân nhân của những người xấu số lại tụ tập bên bờ hồ Michigan để tưởng nhớ thảm họa 2501.

1. Sau khi chiếc máy bay 2501 biến mất, dư luận chỉ ồn ào trong khoảng 2 tuần rồi mọi việc chìm vào quên lãng. Trên các tờ báo, không còn thấy tin tức gì về thảm họa hàng không được cho là có số người thiệt mạng lớn nhất ở Mỹ kể từ khi Thế chiến II chấm dứt.

Mãi đến năm 2004, 54 năm sau vụ 2501, trước lời kêu gọi thống thiết của thân nhân những người mất tích, Hiệp hội nghiên cứu các vật thể chìm dưới đáy hồ Michigan (MSRA) tiến hành một dự án với mục đích làm sáng tỏ vụ biến mất bí ẩn của chiếc máy bay. Bằng cách hợp tác với Clive Cussler, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Cơ quan quốc gia về hàng hải dưới mặt nước - National Underwater Marine Agency (NUMA), đã từng thành công trong nhiều chuyến săn lùng những con tàu nổi tiếng nhất thế giới bị mất tích, MSRA và NUMA tiến hành khảo sát bằng máy sonar thế hệ mới trong phạm vi gần 1.000km vuông dưới đáy hồ Michigan, nơi được xem như vị trí cuối cùng của máy bay 2501 dựa vào cuộc liên lạc giữa cơ trưởng Lins với Trung tâm kiểm soát không lưu Chicago. Cuộc tìm kiếm được tiến hành với việc NUMA thả máy sonar xuống đáy hồ rồi sau đó, nó tự động thực hiện những đường quét theo chiều ngang, hết đường này đến đường khác, không bỏ sót bất kỳ 1 cm nào. Những tín hiệu phản xạ do sonar thu được sẽ truyền lên tàu khảo sát, nơi một hệ thống máy tính tối tân dựng lại hình ảnh đáy hồ. Theo Clive Cussler, máy sonar hoạt động hiệu quả đến mức “chúng tôi có thể nhìn thấy rõ một con dao”.

Thế nhưng trong suốt những năm từ 2004 đến 2013, mỗi năm NUMA và MSRA tiến hành một đợt tìm kiếm vào mùa xuân, khi thời tiết thuận lợi mà kết quả vẫn là con số 0: Không hề thấy một mảnh vỡ, một vật dụng nào có nguồn gốc từ chiếc 2051. Ngược lại, sonar phát hiện xác của 9 con tàu đắm. Điều đó khiến Clive Cussler nghi ngờ máy bay không rơi ở khu vực này mà có thể là một nơi nào đó dưới đáy hồ Michigan.

Cuối năm 2013, Clive Cussler ngừng tham gia tìm kiếm nhưng đến năm 2015, theo lời kêu gọi của Hiệp hội nghiên cứu các vật thể chìm dưới đáy hồ Michigan (MSRA), Clive Cussler quay trở lại nhưng cũng như lần trước, suốt năm ấychỉ tìm thấy thêm 2 xác tàu đắm dưới đáy hồ trong bối cảnh nhiều thuyết âm mưu lại rộ lên, rằng máy bay đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc.

Năm 2016, với sự chấp thuận của NUMA và MSRA, Clive Cussler tiến hành hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận “Tìm kiếm dưới đáy biển - Undersea Research Associates”. Bằng cách sử dụng con tàu David Trotter của tổ chức này, Clive Cussler rà soát một khu vực khác rộng gần 100km vuông cũng dưới đáy hồ Michigan. Cuối năm 2017, hệ thống sonar trên tàu David Trotter đã quét hết 80% đáy hồ nhưng vẫn không tìm được bất cứ một chứng cứ gì của chiếc 2501.

2. Năm 2018, cuộc tìm kiếm lại được triển khai theo một hướng mới. Toàn bộ lãnh thổ bang Michigan và cả một phần rộng lớn bên phía Canada được vệ tinh nghiên cứu bề mặt trái đất của Cơ quan Hàng không, không gian Mỹ (NASA) chụp ảnh từng cm vuông với hy vọng nhìn thấy những dấu vết của chiếc máy bay mất tích. Nhưng cũng như những cuộc khảo sát dưới đáy hồ Michigan, gần 2 triệu bức ảnh do vệ tinh chụp được chẳng nói lên điều gì. Cũng trong năm này, MSRA thực hiện một kế hạch của riêng mình. Bằng cách sử dụng một máy sonar 3 chiều nhưng ngay khi đưa vào hoạt động lần đầu tiên, nó đã bộc lộ nhược điểm bởi lẽ chiếc máy này chỉ có thể dựng hình 3D trong vùng nước không sâu quá 50m.

Năm 2019, sau khi thành công trong việc gây quỹ để có tiền tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm, MSRA mua 1 máy sonar có khả năng hoạt động ở độ sâu 3.000m. Bên cạnh đó, một thành viên hội đồng quản trị của MSRA là Jack van Heest đã thiết kế và chế tạo một cuộn dây cáp, giúp máy sonar thực hiện việc săn lùng trên một phạm vi rộng đến 2.000km vuông nhưng kết quả cũng như những lần trước, nghĩa là “không có gì!”.

Đầu năm 2020, MSRA dự định tiến hành rà quét 20% diện tích còn lại của đáy hồ Michigan nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến công việc phải dừng lại. Cựu đại úy Carl G. Bowman, chỉ huy một tàu cảnh sát biển đã từng tham gia săn lùng chiếc 2501 ngày từ những giờ đầu tiên sau thảm họa và kéo dài suốt nửa năm cho biết: “Tôi đã thực hiện nhiều cuộc tìm kiếm xác máy bay rơi trên biển nhưng chưa có vụ nào giống như vụ này. Trong thâm tâm, tôi tin rằng chiếc 2501 không gặp nạn ở đây. Còn nó nằm ở chỗ nào thì chỉ có… trời biết!”.

Theo MSRA, họ sẽ không dừng lại khi chưa tìm được chiếc 2501 nhưng với các chuyên gia trong lĩnh vực tai nạn hàng không, kết quả có lẽ cũng sẽ tương tự như chiếc MH 370 của Malaysia Airlines, nghĩa là bí ẩn vẫn còn là… bí ẩn!

VŨ CAO (Theo History - 2501 Flight Disaster)

;
.