Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc kiểm soát được đại dịch COVID-19 nhờ chiến dịch tiêm chủng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó giúp các nền kinh tế tiên tiến có thêm hơn 1.000 tỷ USD doanh thu từ thuế vào năm 2025.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Lille, miền bắc nước Pháp. |
Trong báo cáo Giám sát tài chính IMF cho biết, các quốc gia nên tiếp tục chi tiêu để hỗ trợ các hệ thống chăm sóc sức khỏe và hộ gia đình cho đến khi sự lây lan của đại dịch COVID-19 được ngăn chặn trên toàn cầu và sự phục hồi kinh tế được củng cố. Việc tiêm chủng sẽ “mang lại nhiều giá trị hơn đối với số tiền đầu tư vào việc tăng cường sản xuất và phân phối vắc xin toàn cầu”.
Nợ công trung bình trên toàn cầu chạm mức cao kỷ lục tương đương 97% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020, cao hơn 13 điểm phần trăm so với dự báo trước đại dịch.
Nợ trên GDP được dự báo sẽ ổn định ở mức khoảng 99% trong năm nay. Trong trung hạn, các tỷ lệ này ở hầu hết các quốc gia được dự báo sẽ ổn định hoặc giảm xuống khi tăng trưởng phục hồi.
IMF cho biết, các quốc gia đã triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính trị giá 16.000 tỷ USD trong năm qua. Thâm hụt tài khóa trung bình ở các nền kinh tế tiên tiến đã tăng gấp 4 lần lên 11,7% GDP trong năm 2020 từ mức 2,9% GDP trong năm 2019.
Ở các thị trường mới nổi, mức thâm hụt đã tăng hơn 2 lần từ 4,7% GDP lên 9,8% GDP. Các nước đang phát triển có thu nhập thấp đã chứng kiến mức thâm hụt trung bình từ 3,9% GDP lên 5,5% GDP.
Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải cân bằng những rủi ro giữa các khoản nợ công và nợ tư nhân lớn và ngày càng tăng khi các nước rút lại các khoản hỗ trợ tài chính mà được dự báo làm chậm quá trình phục hồi.
IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc các loại thuế tạm thời đối với những người có thu nhập cao hoặc nhiều của cải để giúp đáp ứng nhu cầu tài chính để kiểm soát đại dịch.
IMF cho biết trong khi các nước tiên tiến và mới nổi chứng kiến mức thanh toán lãi trung bình thấp hơn, thì các nước thu nhập thấp phải đối mặt với những thách thức về tài chính do khả năng tiếp cận thị trường hạn chế và không có dư địa để tăng doanh thu. Các quốc gia này cần được hỗ trợ thông qua viện trợ không hoàn lại, ưu đãi tài chính và cơ cấu lại nợ trong một số trường hợp.
MINH HẰNG