Năm 2022, các nước tiêm chủng sớm ở Trung Đông sẽ phục hồi kinh tế
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/4 cho biết, kinh tế của các nước “tiến hành tiêm chủng sớm” ngừa COVID-19 ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2022 sẽ phục hồi trở lại các mức tăng trưởng trước khi bùng phát dịch.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Tripoli, Liban, ngày 6/4/2021. |
Khu vực này, bao gồm các quốc gia Arab và Iran, đã chứng kiến nền kinh tế suy giảm 3,4% trong năm 2020 do giá dầu giảm thấp và các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Tuy nhiên, các chương trình tiêm chủng được thực hiện nhanh chóng, đặc biệt ở các nước vùng Vịnh, khiến IMF đầu tuần này dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này sẽ đạt 4% trong năm nay, tăng 0,9% so với dự báo trước đó.
Giám đốc IMF khu vực Trung Đông và Trung Á Jihad Azour nhận định, đà phục hồi của các nền kinh tế khác nhau tùy theo tiến độ của chiến dịch tiêm phòng ở từng nước, giữa những nước nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng (ít nhất 75% dân được tiêm phòng) với những nước chậm hơn trong cuộc đua này.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực cập nhật, IMF dự kiến đến năm 2022 GDP của các nước thực hiện tiêm chủng sớm sẽ đạt mức tăng trưởng của năm 2019. Những nước chậm tiêm phòng hoặc tiêm với tiến độ chậm sẽ phục hồi trong khoảng thời gian từ năm 2022-2023.
Nhiều nước trong khu vực trên, đặc biệt là vùng Vịnh giàu có, đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà với tiến độ nhanh nhất thế giới tính bình quân đầu người.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nguồn cung vắc xin vẫn là một thách thức đối với nhiều nước khác do tình trạng thiếu vắc xin, xung đột trong nước hoặc các vấn đề về chính trị và tài chính.
Liban, vốn đang chìm trong khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội, là nước duy nhất trong khu vực được dự báo kinh tế suy giảm hơn nữa sau khi GDP đã giảm 25% trong năm 2020.
HOA HẠ