VỤ MẤT TÍCH BÍ ẨN CỦA CHUYẾN BAY 2501 - Kỳ 1: Biến mất trên hồ
Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành hàng không dân dụng thế giới, có 2 chiếc máy bay mất tích mà đến nay vẫn chưa tìm ra được. Đó là chiếc MH 370 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines và chiếc NW 2501 của Hãng Hàng không Northwest Airlines, Mỹ.
Chiếc NW 2501 trước ngày xảy ra thảm họa và cơ trưởng Lind. |
1. Câu chuyện bắt đầu vào tối thứ Sáu ngày 23/6/1950 tại sân bay La Guardia, New York, Mỹ. Thời tiết ấm áp khi 55 hành khách, gồm 27 nữ, 22 nam cùng 6 trẻ em lên chiếc máy bay 4 động cơ cánh quạt loại DC-4, số hiệu 2501 của Hãng Hàng không Northwest Airlines, từ New York đến Seattle (bang Washington). Thời gian bay dự kiến 6 tiếng với tốc độ 660km/giờ.
19 giờ 30, chiếc 2501 cất cánh. Cơ trưởng của chuyến bay này là Robert C.Lind, cơ phó là Verne F.Wolfe, cả hai đều cùng 35 tuổi, còn người thứ ba và cũng là người cuối cùng trong phi hành đoàn là tiếp viên Bonnie Ann Feldman, 25 tuổi.
Lướt qua Cleveland, bang Ohio, chiếc 2501 tiếp tục bay đến Minneapolis, bang Minnesota ở độ cao 3.000m. Khi nó chuẩn bị tiếp cận vùng trời thành phố Battle Creek, bang Michigan lúc 22 giờ 41 phút, Trung tâm kiểm soát không lưu Chicago yêu cầu cơ trưởng Lind hạ độ cao xuống còn 2.500m để tránh một máy bay khác đang bay theo hướng ngược lại.
23 giờ 36 phút, chiếc 2501 đến hồ Michigan. Lúc nhận được tin của Trung tâm kiểm soát không lưu Chicago cho biết có một cơn bão đang hình thành trên hồ, cơ trưởng Lind xin hạ độ cao xuống còn 1.500m nhưng bị từ chối vì với độ cao như vậy, máy bay có thể sẽ không chịu nổi những cơn gió giật.
23 giờ 51 phút, chiếc 2501 đi vào ven rìa của cơn bão đang từng lúc mạnh lên. Cơ trưởng Lind báo cáo qua radio rằng máy bay sẽ đến Milwaukee trước 0 giờ 30 sáng ngày 24/6. Khoảng 10 phút sau, Lind một lần nữa lại xin hạ độ cao xuống còn 1.000m nhưng không nêu lý do cụ thể. Câu trả lời của Trung tâm kiểm soát không lưu Chicago vẫn là: “Không được!”.
Đó là lần liên lạc cuối cùng của cơ trưởng Lind với mặt đất. Ở bên kia hồ Michigan, Đài kiểm soát không lưu Milwaukee sau khi chờ đến 1 giờ sáng mà vẫn không thấy tín hiệu radio của chiếc 2501 đã thông báo cho New York, Minneapolis và Chicago. Lập tức, các đài phát thanh của Cục Hàng không dân dụng tìm cách liên lạc với 2501 trên tất cả mọi tần số nhưng vô ích. Chuyến bay 2501 đã mất tích!
2. 5 giờ 30 sáng thứ Bảy 24/6, Cục Hàng không dân dụng Mỹ chính thức thông báo mất liên lạc hoàn toàn với chiếc 2501. Họ cũng cho biết lượng nhiên liệu trên máy bay đã hết hẳn vào thời điểm đó nên nó không thể bay thêm được, đồng thời phát lệnh tìm kiếm khẩn cấp cho hải quân, cảnh sát biển và cảnh sát các bang từ Illinois đến Michigan, Wisconsin và Indiana. 13 tiếng sau, lúc 6 giờ 30 tối thứ Bảy, tàu Cảnh sát biển do đại úy Woodbine chỉ huy nhìn thấy một vết dầu loang cùng vài mảnh vỡ được cho là của chiếc 2501, nổi trên mặt hồ Michigan. Đến 5 giờ 30 sáng Chủ nhật 25/6, máy sonar của tàu Hải quân Mỹ do đại úy chỉ huy Daniel Joy ở gần vết dầu loang phát hiện một số vật thể phản xạ sóng sonar rất mạnh. Tuy nhiên kết quả lặn tìm do người nhái của hải quân thực hiện đã cho thấy đó không phải là xác máy bay, mà là của một con tàu đắm.
Cũng trong ngày Chủ nhật, đội tàu Cảnh sát biển gồm 4 chiếc do Woodbine, Mackinaw, Hollyhock và Frederick Lee chỉ huy đã thu hồi được nhiều mảnh vỡ trôi nổi, trong đó có mảnh bình nhiên liệu, mảnh đệm ghế, mảnh quần áo, chăn mền, hành lý cùng một số bộ phận của xác chết nhưng không một mảnh vỡ nào đủ lớn để có thể khẳng định nó rơi ra từ chiếc 2501. Các điều tra viên suy đoán chiếc 2501 đã nổ tung giữa trời vì theo họ, máy bay bị xoắn khi rơi vào một luồng gió xoáy, gây ra tia lửa làm cháy bình xăng. Công tố viên Berrien Louis Kerlikowski và các quan chức Cảnh sát biển Mỹ nhận định: “Phải là một vụ nổ khủng khiếp mới có thể xé tung thân thể hành khách một cách khó mà tưởng tượng được”. Tuy nhiên các cư dân sống xung quanh hồ Michigan đều nói rằng trong đêm 23 rạng ngày 24/6, họ không hề nghe thấy có tiếng nổ nào ngoại trừ lời khai của một trung tá hải quân đã nghỉ hưu là RT Helm.
Theo ông Helm, ông thấy một chiếc máy bay lướt qua nhà mình lúc 0 giờ 20 phút sáng rồi sau đó là một tia chớp sáng rực kèm theo một tiếng nổ kinh hoàng. Tuy nhiên, đối chiếu với lần liên lạc cuối cùng của cơ trưởng Lind lúc 0 giờ 1 phút khi xin hạ độ cao xuống 1.000m cùng tốc độ của máy bay thì đến 0 giờ 20 phút, chiếc 2501 đã vượt qua khỏi hồ Michigan và đang ở trên không phận Milwaukee. Công việc tìm kiếm của các thợ lặn trong suốt những ngày sau đó cũng không mang lại kết quả, một phần là do đáy hồ Michogan đầy bùn, tầm nhìn rất hạn chế. Phần nữa là nhiều vật thể có kích thước lớn do máy sonar phát hiện đều không phải là của chiếc 2501.
Đến tháng 7, một ngư dân địa phương là Wallace Chambers khi thả lưới đã kéo lên một mảnh kim loại nhỏ, móp méo. Những phân tích của Ủy ban Hàng không dân dụng Mỹ dẫn đến nghi ngờ mẩu kim loại này là của chiếc 2501 nhưng trong Thế chiến II, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 3.000 chiếc DC-4 rồi khi chiến tranh kết thúc, gần 600 chiếc trở thành máy bay dân dụng với cấu trúc giống y hệt nhau nên mảnh vỡ do Wallace Chambers vớt được chẳng nói lên điều gì.
6 tháng kể từ ngày chuyến bay 2501 biến mất, sau khi phân tích kỹ lưỡng tất cả những mẫu vật đã thu thập, Ủy ban Hàng không dân dụng Mỹ chính thức kết luận đây là một “thảm họa không xác định nguyên nhân”.
Từ đó, theo thời gian, vụ việc chìm vào quên lãng cho đến khi khoa học phát minh ra những thiết bị dò tìm tối tân, có thể phục dựng mô hình đáy biển, sông, hồ, với tất cả mọi chi tiết nằm ở dưới đáy thì việc tìm kiếm chiếc 2501 bắt đầu khởi động lại.
VŨ CAO
(Theo History - 2501 Flight Disaster)