Sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 là rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Đây là cảnh báo của ông Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đưa ra ngày 13/4.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Mohammedia, Maroc, ngày 13/4/2021. |
Phát biểu tại một hội nghị trực truyến do Viện Kinh tế quốc tế Peterson tổ chức, ông Gopinath cho rằng việc tiếp cận tiêm chủng không công bằng đang là một thách thức lớn.
Trước tình trạng này, ông kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và coi việc đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao là “ưu tiên hàng đầu”.
Tuần trước, IMF đã công bố một báo cáo cập nhật trong đó dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022, cao hơn các mức dự báo đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo vẫn còn nguy cơ bất ổn, đồng thời nhận định kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng mạnh hơn nếu các chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc.
Giám đốc IMF khu vực Trung Đông và Trung Á Jihad Azour cho rằng đà phục hồi của các nền kinh tế khác nhau tùy theo tiến độ của chiến dịch tiêm phòng ở từng nước, giữa những nước nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng (ít nhất 75% dân được tiêm phòng) với những nước chậm hơn trong cuộc đua này.
Hiện các chương trình triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được đẩy nhanh trên toàn cầu nhưng gặp không ít trở ngại.
Ngày 13/4, giới chức y tế Mỹ đã khuyến nghị tạm dừng sử dụng vaccine của Johnson & Johnson do lo ngại tình trạng một số ca xáy ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm.
Nhà chức trách châu Âu cũng đang nghiên cứu sự liên quan giữa hiện tượng đông máu và việc tiêm vaccine của AstraZeneca (Anh) sau khi nhiều nước dừng sử dụng vaccine này.
PHAN AN