Phần lớn các công ty Anh đã phải đối mặt với những gián đoạn thương mại với Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi nước Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Theo khảo sát Survation do London First/EY thực hiện vào tháng 2/2012 và được công bố ngày 4/4, nhiều DN dự kiến tình trạng này sẽ kéo dài thêm một thời gian.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. |
Một thỏa thuận thương mại giữa London và Brussels, có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, có nghĩa là các DN phải đối phó với bộ máy công quyền và các quy tắc mới.
Cuộc khảo sát Survation cho thấy, 75% số DN được hỏi cho biết họ đã trải qua một số gián đoạn trong giao dịch với các nước EU, mặc dù 71% nói rằng họ đã chuẩn bị cho những thay đổi này.
Gần một nửa (49%) số DN tham gia khảo sát cho biết họ dự kiến tình hình này sẽ tiếp tục trong dài hạn trong khi gần 1/3 số DN cho biết họ đã ngừng giao dịch với EU và các quốc gia không nằm trong các thỏa thuận chuyển đổi.
Kết quả này trùng với những gì một số cuộc khảo sát khác đã từng đưa ra cho thấy các DN đã gặp nhiều khó khăn với chuỗi cung ứng của họ, cùng với các vấn đề hải quan và các quy định khác, kể từ khi các thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và EU có hiệu lực.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, sự gián đoạn chủ yếu là do những khó khăn ban đầu, và điều này sẽ giảm bớt khi các DN nắm bắt được hệ thống thương mại mới.
John Dickie, Quyền Giám đốc điều hành của London First cho biết, rõ ràng những gián đoạn đối với thương mại của Vương quốc Anh với EU vượt xa hơn những gì mà người ta coi đó là “khó khăn buổi đầu”.
Cuộc khảo sát dựa trên ý kiến của 1.040 DN cho thấy, 29% DN cho biết chi phí hoạt động của họ đã tăng lên bởi thỏa thuận thương mại Anh-EU, với một nửa số DN này cho biết những phát sinh chi phí này sẽ do khách hàng chi trả.
Tuy nhiên, vẫn còn 26% số DN cho biết họ đã hiểu rõ hơn về cách tiếp cận thị trường mới và 24% xem các thỏa thuận giao dịch mới với EU là cơ hội để đa dạng hóa hoạt động của họ.
MINH TRANG