ECB hối thúc các nước Eurozone sớm hành động triển khai Quỹ phục hồi

Chủ Nhật, 11/04/2021, 17:13 [GMT+7]
In bài này
.

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang gia tăng sức ép lên chính phủ các nước trong khu vực để thực hiện biện pháp kích thích tài chính chung của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đồng thời sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn để cảnh báo về sự hỗn loạn kinh tế cho khu vực này nếu các nước thành viên Eurozone hành động quá chậm.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia Ignazio Visco cho rằng, Quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu đóng vai trò “rất quan trọng” trong việc giúp kinh tế khu vực phục hồi từ khủng hoảng COVID-19 và nhấn mạnh rằng việc trì hoãn triển khai quỹ này quá lâu sẽ là một “thảm họa”.

Phó Chủ tịch ECB Luis De Guindos cho biết, điều quan trọng là “không nên để xảy ra sự chậm trễ không cần thiết”. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras nói rằng, ông sự chậm trễ có nghĩa là nền kinh tế Eurozone sẽ không thể phục hồi trong năm nay.

Các bình luận được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi tòa án tối cao của Đức tạm thời ngăn chặn việc Chính phủ nước này phê chuẩn kế hoạch phát hành trái phiếu để gây dựng quỹ phục hồi 750 tỷ euro.

Tất cả chính phủ các nước thành viên phải thực hiện hành động này trước khi quỹ có thể bắt đầu hoạt động.

Khi Mỹ đang đi đầu với gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD để giúp nền kinh tế nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19, lợi tức trái phiếu toàn cầu đang được đẩy cao hơn.

ECB đã buộc phải tăng tốc các chương trình kích thích khẩn cấp để ngăn chặn lợi suất trái phiếu của tăng quá nhanh trong khi khối này vẫn “sa lầy” bởi các đợt phong tỏa xã hội kéo dài do tình hình dịch COVID-19 tiếp tục căng thẳng, còn chương trình triển khai vaccine ngừa COVID-19 gặp trục trặc.

Ông Stournaras đã bác bỏ đề xuất từ người đồng cấp phía Hà Lan Klaas Knot rằng ECB có thể xem xét rút lại việc thu mua trái phiếu khẩn cấp trong quý III/2021, bởi ông cho rằng thời hạn này là quá sớm.

Cả Hy Lạp và Italia đều cho rằng nên kéo dài các chương trình kích thích kinh tế quá lâu còn hơn là kết thúc chúng quá sớm.

MINH TRANG

;
.