Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/4 đã lên tiếng ủng hộ việc gia tăng quyền lực của Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực y tế nhằm kiểm soát tốt hơn các tình huống nghiêm trọng như đại dịch COVID-19 hiện nay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Phát biểu tại một cuộc thảo luận trực tuyến của đảng Nhân dân châu Âu (EPP) về tương lai châu Âu, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh với những kinh nghiệm có được từ cuộc chiến chống COVID-19, EU cần phải được gia tăng quyền hạn hơn nữa trong chính sách y tế, đặc biệt trong cuộc chiến chống các đại dịch.
Theo Thủ tướng Merkel, COVID-19 hoạt động không có “biên giới” trong khối EU, do đó cần có biện pháp vượt ngoài sự phối hợp đơn thuần của các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, để làm được điều này, Thủ tướng Đức nhấn mạnh cần phải sửa đổi các hiệp ước của EU nhằm trao chức năng kiểm soát trong tình huống đại dịch cho Ủy ban châu Âu, hay việc tăng cường năng lực hơn nữa cho Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC)-cơ quan kiểm soát dịch bệnh của EU.
Cho tới nay, ECDC vẫn chỉ là một tổ chức tư vấn khoa học thuần túy với chức năng đưa ra các khuyến nghị, song đôi khi không nhận được những dữ liệu cần thiết từ các nước thành viên.
Tại cuộc thảo luận, nhà lãnh đạo Đức một lần nữa bảo vệ chiến lược tiêm chủng của EU, nhấn mạnh châu Âu cũng đã xuất khẩu vắc xin và giúp nhiều nước được chủng ngừa. Về nguồn cung cấp vắc xin cho châu Âu, bà Merkel thừa nhận đã có những sai lầm khi phải đối mặt với một lĩnh vực mới, tuy nhiên việc mua vắc xin thông qua Brussels là “hoàn toàn đúng đắn”.
Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 22/4 cho biết, tỷ lệ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong tổng số ca nhiễm mới ở Đức đã chiếm tới gần 95% trong các mẫu dịch được kiểm tra, trong đó biến thể phát hiện đầu tiên ở Anh cuối năm 2020 chiếm tới 93%.
Kết quả trên được đưa ra sau khi tiến hành phân tích 54.000 mẫu dịch trong giai đoạn từ ngày 12-18/4.
Hiện trong 16 bang của Đức chỉ còn duy nhất bang Schleswig-Holstein có tỷ lệ lây nhiễm trung bình 7 ngày dưới 100/100.000 dân với 70,8, trong khi bang có chỉ số cao nhất là Thüringen (240,2), tiếp đó là Sachsen (200,8) và Bayern (186,5).
Nếu theo quy định “phanh khẩn cấp” vừa được Quốc hội Đức thông qua, 15 bang của Đức sẽ phải áp đặt giới nghiêm và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100.
MẠNH HÙNG