Các nước đưa ra hàng loạt cam kết mạnh mẽ để bảo vệ hành tinh xanh

Chủ Nhật, 25/04/2021, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Diễn ra vào đúng Ngày Trái đất, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ chủ trì đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, với nhiều cam kết mạnh mẽ kèm theo các biện pháp cụ thể và công cụ đa dạng nhằm chung tay phối hợp bảo vệ hành tinh xanh.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới, diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới, diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Đây được xem là tiền đề cho những cam kết quyết liệt hơn trong Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhằm giảm đáng kể tình trạng trái đất ấm lên trong thập niên tới.

Với việc đứng ra tổ chức hội nghị kèm theo cam kết đi đầu trong cuộc chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạo ra một “nhân tố thay đổi cuộc chơi”, tạo lòng tin và quyết tâm hành động tập thể cho các nước tham gia sự kiện này.

Hàng loạt cam kết với những con số ấn tượng đã được đưa ra, cho thấy các nước đều đã ý thức rõ sự cần thiết của việc phải hành động mạnh tay và nhanh chóng hơn để không phải chứng kiến một thất bại chung của thế giới trong việc ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.

Tại hội nghị, ông chủ Nhà Trắng cam kết đến năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50-52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Đây là cam kết lớn nhất tại hội nghị.

Nếu so sánh, Anh đưa ra một con số cao hơn (68% vào năm 2030) so với các nước phát triển khác. Tuy nhiên, con số này là so với mức khí thải của năm 1990, như vậy, mức cắt giảm trên thực tế ít hơn của Mỹ. Nếu tính trên cấp độ toàn cầu, mức cắt giảm khí thải của Anh chỉ tương đương 2%, trong khi của Mỹ là 15%. Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết cắt giảm 55% khí thải so với mức của năm 1990.

Trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, EU và Anh hiện là 3 đối tác đi đầu về cam kết cắt giảm khí thải. Những con số ấn tượng nêu trên được kỳ vọng có thể tạo động lực cho các nền kinh tế như Nhật Bản, Canada và Australia nâng mức cam kết cắt giảm khí thải, đồng thời “khích lệ” Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, những nước không đưa ra cam kết mới nào tại hội nghị này.

Bên cạnh đó là những cam kết hỗ trợ tài chính, công nghệ… để các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu có thể thúc đẩy tăng trưởng song song với việc giảm lượng khí thải.

Đáng chú ý nhất là cam kết của Tổng thống Biden, theo đó chậm nhất là tới năm 2024, Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ để giúp các nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Không dừng lại ở những cam kết, tại hội nghị, các nước và tổ chức quốc tế đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thểvới các công cụ đa dạng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, châu Âu sẽ áp dụng mua bán hạn ngạch khí thải do các tòa nhà và phương tiện giao thông gây ra, qua đó tạo tiền đề cho kế hoạch cải cách thị trường mua bán khí thải carbon.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đề nghị các nước định giá carbon, chấm dứt trợ cấp cho ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh, tới năm 2030 loại bỏ than đá ở những nước giàu nhất và mọi nơi khác vào năm 2040, đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng cho những người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng.

Khẳng định đây yếu tố cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã hối thúc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) áp dụng mức giá sàn quốc tế đối với khí thải CO2.

Các lãnh đạo châu Âu cũng kêu gọi tăng cường áp dụng đổi mới tài chính và các công nghệ xanh khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định hội nghị thượng đỉnh khí hậu này là thời khắc quyết định để “thúc đẩy hay bỏ lỡ” các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

BẠCH DƯƠNG

;
.