Tín hiệu WiFi đi xuyên tường bằng cách nào?

Thứ Bảy, 27/03/2021, 07:33 [GMT+7]
In bài này
.

Tín hiệu WiFi là một dạng bức xạ điện từ, giống như ánh sáng nhìn thấy được. Sóng điện từ có bước sóng trong phạm vi của tín hiệu WiFi có thể đi xuyên tường dễ dàng như ánh sáng đi xuyên qua cửa kính vậy.

Bạn có bao giờ tự hỏi: tại sao ánh sáng không thể đi xuyên tường, còn tín hiệu WiFi thì có? Làm sao điều đó có thể xảy ra được?

Bức xạ điện từ và WiFi

Chúng ta đã nghe qua về bức xạ điện từ. Trên thực tế, nó là thứ thường xuyên vây quanh ta. Ánh sáng thấy được, tín hiệu Bluetooth, tín hiệu WiFi, hồng ngoại... Bức xạ điện từ tồn tại khắp mọi nơi.

Từ góc nhìn kỹ thuật, nó là một dạng năng lượng di chuyển ở tốc độ ánh sáng và được chia thành các nhóm như sóng radio, vi sóng, tia UV... tuỳ thuộc vào tần số (hoặc bước sóng). Sóng radio là một trong số đó và WiFi hoạt động dựa vào sóng này.

WiFi sử dụng sóng radio để thiết lập giao tiếp không dây giữa hai hoặc nhiều thiết bị. Nó sử dụng hai loại tần số sóng radio, tuỳ thuộc vào lượng dữ liệu được truyền tải (5GHz và 2.4GHz). Tần số càng cao, lượng dữ liệu được gửi đi mỗi giây càng lớn. Chính vì vậy, 5GHz được sử dụng để gửi đi những lượng dữ liệu lớn thông qua tín hiệu WiFi giữa các thiết bị.

Tín hiệu WiFi đi xuyên tường như thế nào?

Khi một sóng điện từ (tín hiệu WiFi) chạm đến một bề mặt, nó có thể làm một trong 3 thứ sau: Đi xuyên qua (khúc xạ); Bị phản xạ lại; Bị hấp thụ.

Khi một vật thể phản xạ một bước sóng cụ thể của ánh sáng thấy được, màu sắc liên kết với bước sóng đó trở thành màu sắc của vật thể. Một quả táo có màu đỏ bởi khi ánh sáng chiếu lên bề mặt của nó, bước sóng của ánh sáng mà nó phản xạ lại nhiều nhất là bước sóng liên kết với màu đỏ.

Bây giờ đến câu hỏi logic tiếp theo: điều gì khiến một vật thể hấp thụ, phản xạ, hay khúc xạ chỉ một bước sóng cụ thể của bức xạ điện từ?

Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào thành phần của vật thể. Mọi thứ trong vũ trụ đều được cấu thành từ những khối siêu nhỏ gọi là “nguyên tử”. Chính kích cỡ của các nguyên từ và khoảng cách giữa chúng (chúng liên kết với nhau chặt chẽ hoặc lỏng lẻo ra sao bên trong một vật thể) là những yếu tố quyết định liệu vật thể sẽ hấp thụ một bước sóng cụ thể của bức xạ điện từ, hay cho phép nó đi xuyên qua.

Lấy ánh sáng thấy được làm ví dụ. Khi bạn đóng cửa phòng ngủ, ánh sáng từ bên ngoài không đi vào phòng được. Tại sao?

Bởi ánh sáng thấy được không thể đi xuyên qua các vật thể rắn, như tường hay cửa phòng ngủ. Tuy nhiên, nó có thể dễ dàng đi xuyên qua một số vật thể rắn nhất định, như cửa kính. Đó chính xác là lý do tại sao tín hiệu WiFi có thể đi xuyên qua những bức tường hay những cánh cửa.

Nếu như đối với ánh sáng thấy được, cửa kính là một vật thể trong suốt, thì đối với tín hiệu WiFi (một loại bức xạ điện từ khác), tường là một vật thể trong suốt, bởi tần số (hay bước sóng) của bức xạ liên kết với tín hiệu WiFi có khả năng xuyên qua các vật thể rắn, nhưng chỉ đến một mức độ nhất định.

Nếu bức tường quá dày, tín hiệu WiFi sẽ không thể đi xuyên qua. Ngoài ra, khi tín hiệu WiFi di chuyển trong không khí, chúng sẽ bị “loãng” đi, có nghĩa là chúng sẽ mất một phần năng lượng.

Đó là lý do tại sao nếu bạn đặt router WiFi trong một căn phòng bao quanh là những bức tường bê tông dày, bạn sẽ không thể thu được WiFi khi đứng bên ngoài. Tương tự, bạn sẽ không bắt được tín hiệu WiFi mạnh trên thiết bị nếu router ở cách bạn quá xa (từ 45 - 90 mét).

Tóm lại, đối với tín hiệu WiFi, tường là một vật thể trong suốt, giống như cửa kính trước ánh sáng thấy được. Chính vì vậy, tín hiệu WiFi có thể dễ dàng xuyên qua hầu hết các loại tường và giúp bạn luôn trong trạng thái kết nối!

XUÂN NGUYỄN

(Tổng hợp)

 
;
.