Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 25/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 125.403.526 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.755.867 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 101.267.567 người.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên đường phố ở thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 13/3/2021. |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 558.422 ca tử vong trong tổng số 30.704.098 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 301.087 ca tử vong trong số 12.227.179 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 160.726 ca tử vong trong số 11.787.013 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 236 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 196 người và Montenegro 194 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 41,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 928.100 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 750.300 ca tử vong trong hơn 23,8 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 566.500 ca tử vong trong hơn 30,8 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 267.500 ca tử vong trong hơn 17,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 111.300 ca tử vong, châu Phi có hơn 110.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 974 người.
Tại Mỹ, hơn 40 bang tại Mỹ cam kết hoàn tất chủng ngừa cho toàn bộ người trưởng thành trước thời hạn ngày 1/5 mà Tổng thống Joe Biden đặt ra. Tính tới thời điểm này, ít nhất 30 bang tại Mỹ đã cho phép tiêm chủng rộng rãi cho toàn bộ người trưởng thành bắt đầu từ tháng này hoặc tháng 4 tới.
Riêng trong tuần này, 7 bang đã tuyên bố ngày cụ thể cho phép tất cả người trưởng thành được tiêm chủng, trong đó 3 bang Texas, Indiana và Georgia đã cho phép triển khai tiêm chủng rộng rãi từ cuối tháng 3.
Trong khi đó, Thống đốc Andrew Cuomo chưa định đưa ra ngày cụ thể cho phép tiêm chủng rộng rãi đối với toàn bộ người dân trưởng thành ở bang New York, bởi ông muốn thực hiện lộ trình tiêm chủng theo độ tuổi hạ dần dựa trên lượng vắc xin được chính quyền liên bang cung cấp.
Kể từ ngày 23/3, toàn bộ những người trên 50 tuổi ở New York đã được phép tiêm vắc xin, ngoài đối tượng ưu tiên là giáo viên, những người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu, người có bệnh nền dễ bị virus tấn công. Hiện mỗi ngày nước Mỹ thực hiện khoảng 2,5 triệu mũi tiêm. Khoảng 14% dân số đã hoàn tất cả 2 mũi tiêm.
Tổng thống Bolivia Luis Arce dự kiến sẽ hoàn tất việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho tất cả các đối tượng là người cao tuổi vào tháng 10 tới. Ông Arce thông báo, Bolivia đã nhận được lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2021 và các chuyến hàng đặc biệt này được tăng dần về số lượng trong tháng 2 và 3. Ông khẳng định ưu tiên đầu tiên là tiêm vắc xin được cho tất cả những đối tượng dễ bị tổn thương do vẫn chưa thể có đủ vắc xin để tiêm được hết cho toàn bộ người dân.
Bolivia, một trong những nước nghèo nhất ở Mỹ Latinh, không có đủ tiềm lực để có thể đạt được nhiều thỏa thuận song phương mua vắc xin như một số nước khác trong khu vực. Đến nay nước này mới ký thỏa thuận với các hãng dược phẩm của Nga và Trung Quốc, cũng như được cam kết cung cấp một số lượng giới hạn thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ.
THANH PHƯƠNG