Giữa tháng 1/2021, Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã đưa ra cảnh báo toàn cầu về hoạt động của các nhóm tội phạm xung quanh việc làm giả vaccine ngừa COVID-19 và những quảng cáo bất hợp pháp về loại dược phẩm này, xảy ra tại một số quốc gia Mỹ Latin như Mexico, Colombia, Ecuador, Peru, Brazil và Panama…
Những lọ vaccine ngừa COVID-19 giả bị cảnh sát Mexico tịch thu. |
Cũng như nhiều nước trên thế giới, khi chính phủ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân thì những tổ chức tội phạm ở Mỹ Latin - khởi đầu là Mexico - đã nhận thấy đây là cơ hội bằng vàng để kiếm tiền. Bằng cách lập ra những trang web giả mạo dựa trên nền tảng của một số công ty dược phẩm đã phát minh ra vaccine ngừa COVID-19 và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép lưu hành rộng rãi, thí dụ như Công ty Pfizer-BioNTech (Mỹ) hai nhóm tội phạm ở Mexico là Familia Michocana và Jalisco Cartel New Generation lập tức đăng tải nhiều quảng cáo trên những trang web, mạo nhận là của công ty này cùng những địa chỉ đăng ký để đặt mua!
Một trong những trang web giả ấy là “pfizermx.com”, giao diện nhìn rất bắt mắt với đầy đủ logo của Công ty Pfizer-BioNTech cùng hình ảnh những lọ vaccine ngừa COVID-19 và các số điện thoại giao dịch. Nó khiến nhiều người hiểu lầm rằng đây là trang web chính thức của Pfizer-BioNTech Mexico. Thiếu tá Antonio Rodiguez thuộc đội Cảnh sát chống tội phạm bang Quintana Roo, Mexico, cho biết nếu người dân gọi đến những số ấy, họ sẽ được giải đáp “rất tận tình” cùng những lời tư vấn “có cánh”. Sau đó, tùy theo nhu cầu, họ sẽ được “pfizermx.com” bán cho 1 hoặc nhiều liều vaccine, mỗi liều 2 lọ với giá đắt gấp 2 hoặc 3 lần hàng thật. Khi tiêm, người mua có thể đến các phòng khám tư nhân để nhờ tiêm giúp những cũng có trường hợp người bán tiêm luôn cho người mua! Kết quả điều tra cho thấy tất cả vaccine bán trên trang web “pfizermx.com” đều được làm giả bằng nước cất pha phẩm màu và được đóng gói cẩn thận, nhìn chẳng khác gì hàng “chính hãng”. Điều khác biệt duy nhất là ở tờ nhãn hiệu dán trên lọ thuốc, chỉ có dòng chữ “Vaccine Coronavirus SARS-CoV-2” cùng cái mã vạch mà không hề có tên Pfizer-BioNTech Mexico cùng ngày sản xuất và ngày hết hạn sử dụng, vốn là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả những loại thuốc chữa bệnh cho người.
Để tạo lòng tin, hai tổ chức tội phạm Familia Michocana và Jalisco Cartel New Generation lập ra những “Đội vaccine trực thuộc Bộ Y tế”. Các thành viên trong đội này đi đến từng nhà rối đưa ra những bản đăng ký tiêm vaccine, yêu cầu người dân điền đầy đủ thông tin cá nhân của mình kèm theo bản sao thẻ căn cước. Theo Bộ trưởng Y tế bang Quintana Roo, Mexico, bằng phương pháp ấy, bọn tội phạm hoàn toàn có thể sử dụng những dữ liệu cá nhân trong thẻ căn cước để đăng ký tín dụng ngân hàng, mở tài khoản, mua hàng trực tuyến theo hình thức “xài trước, trả sau…” và chủ nhân thật sự của tấm thẻ dĩ nhiên lãnh đủ khi ngân hàng gửi thư đòi nợ. Ông Raul Sapien Santos, chủ tịch Hội đồng An ninh tư nhân Mexico (Consejo Nacional de Seguridad Privada - CNSP) cho biết các thành phố Jalisco, Tamaulipas, Chihuahua và Mexico City được xác định là nơi đặt các “nhà máy” sản xuất vaccine giả nhưng rất khó phát hiện bởi lẽ mỗi “nhà máy” chỉ cần một diện tích chừng 15 mét vuông, trong đó có những thiết bị chiết xuất “vaccine” vào lọ, thiết bị dập nút, dán nhãn còn vỏ hộp thì làm ở những nơi khác. Ông Raul Sapien Santos nói: “Với tính chất nhỏ gọn như vậy, các nhà máy có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác một cách nhanh chóng…”. Cảnh sát quốc gia Mexico cho biết họ đang theo dõi khoảng 200 trang web rao bán vaccine, khẩu trang N95, dung dịch sát khuẩn và bộ kit xét nghiệm Coronavirus nhưng không có bất kỳ một chứng nhận nào của các cơ quan thẩm quyền.
Học tập kinh nghiệm của Mexico, các tổ chức tội phạm ở Colombia, Ecuador, Peru, Brazil và Panama cũng lập tức cho ra lò những lô vaccine giả. bộ kit xét nghiệm Coronavirus, khẩu trang N95 giả. Tất cả đều được rao bán trên mạng Internet dưới nhãn hiệu của những công ty, tập đoàn dược phẩm lừng danh. Người mua sẽ nhận hàng tại nhà! Bastidas, sĩ quan cảnh sát Colombia cho biết đã từng có lần ông bắt một kẻ giao hàng gồm 250 bộ kit xét nghiệm Coronavirus giả nhưng không khai thác được vì trước sau anh ta vẫn khẳng định: “Có người thuê tôi đưa những thứ này đến địa chỉ ấy. Tôi làm sao có đủ kiến thức để biết nó là gì và lại càng không biết nó thật hay giả. Tôi làm để kiếm tiền công. Tôi chẳng biết người nhờ tôi là ai…”.
Không chỉ làm giả vaccine, ở Cancun, Mexico, băng nhóm Tijuana còn rao bán giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính COVID-19 trên mạng Internet cho du khách cần trở về quê nhà với giá mỗi tờ từ 100 đến 200USD. Hồi đầu tháng 1, một nhóm du khách người Canada đã bị lừa khi trả hơn 3.000 USD để mua những tờ giấy loại này. Một du khách xin dấu tên nói với trang tin Mỹ Latin ngày nay - Latin America Today: “Sau khi chuyển tiền vào tài khoản trên trang web, tờ giấy in kết quả được gửi đến cho tôi chỉ trong 1 tiếng đồng hồ với đầy đủ chữ ký, con dấu của Sở Y tế Cancun. Nhưng khi ra sân bay, bộ phận kiểm dịch Mexico cho tôi biết nó là… đồ đểu!”. Táo bạo hơn, ngay tại sân bay quốc tế Charles De Gaulle, Pháp, bộ phận kiểm dịch sân bay cũng đã phát hiện một du khách người Mexico dùng giấy xét nghiệm COVID-19 với kết quả âm tính giả để được lên máy bay. Tiến hành điều tra, người này khai mua trên mạng và điều đó chứng tỏ các tổ chức tội phạm không chỉ làm ăn tại quốc gia họ, mà còn vươn vòi ra nhiều nơi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều nền kinh tế bất chính nhưng khả năng gây hại thấp hơn so với việc làm giả vaccine COVID-19. Khi các chương trình tiêm chủng mở rộng được tiến hành ở khắp Mỹ Latinh, người dân phải gánh chịu hậu quả cả về tài chính lẫn sức khỏe nếu tiêm nhầm loại vaccine này. Trong một cuộc họp báo, ông Hugo Lopez Gatell, Thứ trưởng Bộ phòng ngừa và thúc đẩy y tế Mexico nhấn mạnh: “Mexico không cho phép bán vaccine. Nếu ai đó mời bạn mua vaccine COVID thì họ là kẻ lừa đảo và rủi ro sẽ thuộc về bạn…”.
VŨ CAO
(Theo Latin America Today)